Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý vào đề nghị đối với đề nghị xây dựng dự án Luật này. Bước đầu, cộng đồng doanh nghiệp lo lắng một số quy định trong dự thảo Luật có thể tạo ra rủi ro chính sách với họ.
Ví dụ, về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo Luật bổ sung: “khoản chi không đáp ứng điều kiện chi, nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành” (điểm m, khoản 2, Điều 9). Bản thuyết minh gửi kèm hồ sơ lấy ý kiến không giải thích rõ lý do đưa quy định này vào. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, quy định “quét” kiểu này sẽ được hiểu rất rộng, dẫn đến nguy cơ nhiều khoản chi hợp lý của doanh nghiệp không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Một ví dụ khác, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm doanh thu đối với doanh thu từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản, cụ thể là 2% (điểm i, khoản 2, Điều 11). Lý do đưa ra quy định này là do việc xác định chi phí tạo ra doanh thu quá khó khăn, không có cơ sở, nên khó xác định lợi nhuận để tính thuế. Quy định này áp dụng cho cả các trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp, tức là vốn của các công ty “mẹ”, công ty “bà”… qua nhiều cấp khác nhau.
Trên thực tế, đúng là có nhiều trường hợp rất khó xác định chi phí khi doanh nghiệp tại nước ngoài có giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo phản ánh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn của các khoản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì việc xác định chi phí tương đối dễ dàng. Các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ quy định về góp vốn, sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) để quản lý ngoại hối. Quy định như dự thảo Luật hiện nay sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp này.
Đối với trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp, hiện nay chưa có quy định rõ ràng. Nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất thì chuyển nhượng vốn gián tiếp bao gồm mọi giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của mọi công ty mẹ, công ty bà, công ty cụ… có sở hữu dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhưng nếu hiểu như vậy thì sẽ có rất nhiều các giao dịch phải nộp thuế và việc kê khai, nộp thuế và kiểm tra, truy thu là không khả thi. Do không có quy định rõ ràng nên làm tăng rủi ro chính sách đối với hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam.
Hạn chế tối đa rủi ro chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp là yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm ăn, tạo việc làm và đóng góp cho phát triển đất nước. Bởi vậy, việc cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng về hai nội dung nói trên là rất cần thiết. Về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trong trường hợp để tăng nặng tính răn đe của pháp luật chuyên ngành, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc việc bổ sung các chi phí không được trừ khi khoản chi “vi phạm quy định cấm của pháp luật chuyên ngành”. Cùng với đó, cân nhắc phân loại các trường hợp có thể và không thể xác định chi phí trong giao dịch chuyển nhượng vốn để có chính sách thuế cho phù hợp.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tranh-tao-rui-ro-chinh-sach-cho-doanh-nghiep-i382312/