1. Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện. Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ,… kinh tế – xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Trong bối cảnh đó, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta, đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Trong các báo cáo tổng kết và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phát triển tích cực này đều đã được khẳng định với tinh thần đánh giá khách quan, bảo đảm đúng mực, sát thực tiễn. Chúng ta tự hào về những bước tiến quan trọng của đất nước, dân tộc, nhưng cũng rất khiêm tốn nhìn nhận, nước ta là nước đang phát triển có thu nhập trung bình, còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa.
Trái với tinh thần, quan điểm và nhận thức đó, gần đây, nhiều trang mạng xã hội và các trang tin không thân thiện thường xuyên đăng tải những bình luận cố ý tô hồng một cách thái quá những thành công của Việt Nam về mặt ngoại giao, ca ngợi kiểu trào lộng những lời nói, việc làm thông minh, sáng tạo, chính trực, tốt đẹp của các đồng chí lãnh đạo nước ta khi gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tham gia những sự kiện ngoại giao quốc tế.
Nhiều tin, bài, hình ảnh cố tình lái dư luận theo hướng coi Việt Nam là “đỉnh cao thế giới”, “out trình” (vượt tầm) khu vực… Những kẻ này còn suy diễn, bịa đặt ra những mưu kế trong bang giao tưởng như chỉ có trên phim ảnh nhằm tô vẽ hình ảnh không có thật về tinh thần, thái độ kiểu như “khôn”, “quái” của người Việt khi giao lưu, làm ăn với các đối tác nước ngoài.
Đây là những thông tin không đúng đắn cần phải được phân biệt rõ. Vì nếu vô thức tiếp nhận thường xuyên những thông tin này rồi coi đó là thật, lâu ngày từ cá nhân đến tập thể cán bộ, đảng viên dễ nảy sinh những tư tưởng không phù hợp; nhất là thói chủ quan, tự mãn, dần dần sinh ảo tưởng, giảm ý chí phấn đấu.
2. Để không rơi vào bẫy thông tin này, chúng ta cần phân biệt và tránh tiếp nhận những thông tin được phát ra từ những tài khoản, trang tin “tạp pí lù” hay núp dưới những cái tên như: “Thông tin chính trị”, “Tin tức hằng ngày”, “Thời sự Việt Nam”…
Về quan điểm nhìn nhận tình hình đất nước, chúng ta cần quán triệt tinh thần mà Trung ương đã nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đó là “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Chúng ta tự hào về thành tựu, vị thế, uy tín quốc tế mà đất nước đang có, nhưng cần nhận thức sâu sắc như yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ trong phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng vừa diễn ra. Đó là: “… tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được…”.
Có như vậy, chúng ta mới bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới.
Riêng lĩnh vực ngoại giao, nước ta đang có quan hệ ngoại giao song phương với hơn 190 nước trên thế giới, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược với 4 nước. Về đa phương, Việt Nam thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ghi nhiều dấu ấn quan trọng với việc được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77; trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025… Có được thành công này là nhờ văn hóa ngoại giao Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của sự chân thành, thẳng thắn. Nhà báo Gaston Fiorda, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh quốc gia Argentina từng nhận xét: Ở bất cứ đâu trên thế giới, Việt Nam luôn tạo ra những mối quan hệ nghiêm túc, rõ ràng, thẳng thắn, chân thành, cởi mở và thân thiện. Chính từ lập trường và chính sách nhất quán như vậy mà Việt Nam đã thiết lập được quan hệ đối tác tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích song phương với các cường quốc hàng đầu thế giới.
Như chúng ta đều biết, ngoại giao Việt Nam được triển khai trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, ngoại giao nhân dân và các hoạt động đối ngoại của các ban, bộ, ngành, địa phương… Do đó, tránh cổ súy cho những thông tin tô vẽ sai lệch là rất cần thiết để thống nhất quan điểm, nhận thức về một tinh thần ngoại giao thẳng thắn, chân thành, xây dựng thành văn hóa ngoại giao ngấm vào từng cán bộ, đảng viên và người dân sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam “thuận thiên, thuận nhân” tiến ra thế giới.