Trên các diễn đàn mạng nổ ra cuộc bàn luận với nhiều ý kiến trái chiều quanh việc “trẻ mầm non có lễ tri ân trưởng thành”.
“Trẻ tiểu học mà bày đặt lễ trưởng thành”
Nhiều người cho rằng lễ trưởng thành nên dành cho học sinh cuối cấp 3, khi các em là công dân đủ 18 tuổi, lễ trưởng thành ở bậc mầm non là bày vẽ, tốn kém cho phụ huynh.
Anh H. (phụ huynh ở Đà Nẵng) cho hay buổi lễ trưởng thành của con gái anh phải đóng đến 400.000 đồng gồm chi phí ăn uống, trang hoàng, quà cáp cho ba mẹ, cô giáo… Số tiền bằng ngày công của hai vợ chồng anh cộng lại nhưng vẫn bấm bụng đóng góp để con bằng bạn bằng bè.
“Không chỉ mầm non, học sinh cuối cấp 1, cấp 2 theo tôi không nên bày vẽ lễ phục chụp ảnh rồi lễ trưởng thành… Nhiều phụ huynh khó khăn chạy theo những hoạt động hình thức này rất vất vả. Đa số hội cha mẹ học sinh đều đồng tình cùng nhà trường, nên những cha mẹ khác cũng đành đồng ý, nếu không thì tội con”.
Chị Đoàn Thị Nhàn (TP.HCM) vừa dự lễ trưởng thành của con trai 5 tuổi nhân dịp con “tốt nghiệp mầm non”. Chia sẻ những hình ảnh cùng con tại lễ trưởng thành, chị cho biết rất xúc động khi thấy các cô tổ chức một buổi lễ đơn giản nhưng chỉn chu để các con có cơ hội bày tỏ lời tri ân đến ba mẹ, thầy cô.
“Buổi lễ ấm cúng, các con đeo vòng hoa tự làm cho ba mẹ của mình cùng lời cảm ơn công sinh thành, nuôi nấng. Các con cùng hát những bài hát tỏ lòng biết ơn dành tặng ba mẹ, thầy cô. Không có tiệc tùng ồn ào, phụ huynh không phải nộp thêm các khoản khác. Hay mà, sao lại chê?”, chị Nhàn bày tỏ.
Do cách tổ chức của từng trường
Chị Ánh Ngọc (Đà Nẵng) kể con chị cũng được tổ chức một buổi lễ trưởng thành với hình thức ngày hội “Bé đã lớn khôn”. Chi phí thuê lễ phục tốt nghiệp cho mỗi bé vài chục nghìn đồng.
Chị Ngọc cho biết: “Mọi người cứ nghĩ trẻ mầm non đang còn nhỏ, có tổ chức tri ân hay trưởng thành thì cũng không để lại dấu ấn gì cho trẻ. Nhưng thực ra cũng nên có một lễ như thế để trẻ biết mình đã kết thúc một cấp học, chuyển lên lớp một, sẽ có nhiều thay đổi trong cách học, như chuyển từ chơi sang học… Và lòng biết ơn thầy cô, bố mẹ, cả các cô cấp dưỡng… thì phải được hình thành từ nhỏ”. Theo chị Ngọc, việc lạm dụng hay nặng nề tốn kém là do cách tổ chức của từng trường chứ không phải ở chỗ có nên tổ chức lễ hay không.
Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – hiệu trưởng Trường mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, Đà Nẵng) – cho rằng việc tổ chức lễ tri ân trưởng thành cho trẻ mầm non cuối cấp có nhiều ý nghĩa.
Theo cô Trâm, trẻ kết thúc bậc học mầm non vào lớp 1 đánh dấu sự trưởng thành từ vừa học vừa chơi sang học nề nếp, nghiêm túc. Những năm tháng mầm non là giai đoạn các con hoàn thành nhân cách, mẫu giáo lớn là nền tảng để các con có tâm thế vững vàng bước vào tiểu học, môi trường mới hoàn toàn.
Cô Trâm cho rằng lễ tốt nghiệp ra trường là thời gian để các con vui chơi bên bạn bè, ở đó các con được tri ân cô giáo, cảm ơn bố mẹ. Những hoạt động đơn giản nhưng dạy cho con bài học làm người, biết ơn cha mẹ, biết tự chăm sóc bản thân…
“Quan trọng là cách tổ chức. Như trường tôi, lễ phục được may dùng qua hằng năm từ ngân sách, tránh tốn kém cho phụ huynh. Các hoạt động hay trang hoàng tại buổi lễ cũng được chính các giáo viên thiết kế, đơn giản từ nguồn nguyên liệu có sẵn, không có tốn kém hay phát sinh gì thêm”, cô Trâm nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tranh-luan-trai-chieu-quanh-viec-tre-mam-non-co-le-tri-an-truong-thanh-20240526135059865.htm