Thích mua xe mới: trầy xước thì xe nào mà chẳng trầy
Tài khoản Vkz cho biết lúc mua xe mới, hơi xước cũng thấy xót. Nhưng chạy được 3 – 4 năm, bạn đọc này đã quen tay và hết xót vì xe te tua luôn rồi. “Ổ voi ổ lợn, sình lầy, bụi rậm đi tuốt. Nhưng đừng có va chạm giao thông, kẻo xót gấp ba lần vì vòng quay mua xe – sửa xe – bồi thường và sửa xe cho người ta”.
Anh Nguyễn Thành chia sẻ, chẳng ai dám chắc khi mua xe cũ để chạy, đến khi lái thạo mua xe mới thì không bị xước xát, va đụng. Tương tự, bạn đọc 2lua cho biết mua xe cũ sau này bán lại giá càng thấp, “nuốt” xăng nhiều, hay hư hỏng vặt…
“Cái xe máy bé tẹo đi còn quẹt trầy. Ô tô to đùng đi sao để không bị trầy? Trừ khi đắp mền để ở nhà. Lái mới càng nên mua xe mới. Xe mới tập trung lái cẩn thận rất nhanh lên tay”, bạn đọc này bình luận trong bài viết trên Tuổi Trẻ Online.
Bạn đọc Thường dân cho rằng ai nhiều hầu bao thì mua xe mới. Chạy xe mới cảm giác thích hơn xe cũ. “Thật ra mua gì cũng có hai dòng là mới và cũ. Chọn lựa sao vừa túi tiền là được”.
Chị Thu Thủy cho rằng việc tốn hao chi phí hay các phiền phức khác thì phải chấp nhận nếu như muốn lái xe. Đồng tình, anh Trương Kiệt bày tỏ bất cứ món hàng nào đã dùng là phải tổn hao. Đừng suy nghĩ theo kiểu phải luôn mới. Kể cả khi mua về cất kho, đồ sẽ cũ dần.
“Xe hơi cũng vậy. Mua xe mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao kỹ năng lái xe. Đừng nghĩ mua xe về rồi làm sao để xe luôn như mới”, anh cho biết.
Tương tự, bạn đọc Minh Tâm kể mình 65 tuổi, lấy bằng lái xe cuối năm ngoái. Ông cho rằng nên mua xe mới cho an toàn, đừng sợ va quẹt.
“Một khi đã vượt qua được kỳ thi lấy bằng B2 gian khó như hiện nay, không có gì phải lo sợ khi mua xe mới. Các bạn hãy can đảm, tự tin”, ông chia sẻ.
Cũng chọn mua xe mới, bạn đọc Cao Quỳnh kết luận: “Tính ra, mua cũ không lợi hơn so với mới”.
Anh Vũ chia sẻ: “Tài mới nên mua xe mới là hợp lý. Sợ trầy xước thì mua bảo hiểm. Có mới thì mới có cũ chứ. Ai dám chắc tài cũ không va quẹt”.
“Đừng dạy người giàu tiêu tiền. Khi có tiền mua xe mới, mua bảo hiểm thân, vỏ xe đầy đủ”, bạn đọc Anh Kiệt thẳng thắn.
Quan trọng là ý thức khi lái xe
Ở góc độ khác, chị Dĩ Nguyễn cho rằng mua xe cũ phù hợp những người muốn tiết kiệm. Bạn đọc L.A.T cho biết mình mua xe mới từ khi lấy được bằng. Xe mới nên một chút trầy nhỏ cũng xót, phải đi tút lại ngay, may là có mua bảo hiểm nên không phải trả chi phí.
“Chạy xe chưa quen nên như cực hình, căng thẳng vô cùng. Chạy hai năm đầu mà đi có hơn 4.000 km, bán lại mất gần 200 triệu. Mua xe phải phù hợp kinh tế của mình. Vì mua xe xong phát sinh rất nhiều chi phí”, bạn đọc này nhắn nhủ.
Tương tự, anh Hùng Trần cho biết mình là một “nạn nhân” của việc không thể trì hoãn sự sung sướng khi vừa có bằng lái đã nôn nóng mua xe đắt tiền. “Hậu quả là một tháng xe nằm gara vài lần để xử lý các vết trầy xước, bể đèn, bể cản trước…”.
Nhiều ý kiến cho rằng việc chọn lựa mua xe cũ hay xe mới không quá quan trọng. Mà chủ yếu là ý thức khi tham gia giao thông.
Tài khoản Cỏ ba lá chia sẻ rằng, phải nhớ lái chắc tay rồi hãy ra đường. “Không chỉ vì tính mạng của bản thân mà hãy nghĩ cho người khác. Đã có nhiều vụ lái ba chớp ba nháng, tông người khác từ bị thương cho đến thiệt mạng cũng chỉ vì lái ẩu, uống rượu bia khi lái xe”.
Đồng tình, chị Thu Thủy nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là an toàn giao thông cho mình và mọi người. Người lái xe cần biết luật, có trình độ, kỹ năng lái xe thực sự.
Chú ý kỹ năng lái xe, xử lý tình huống
Anh Tâm cho biết mình là giáo viên dạy lái xe, tiếp xúc, đào tạo hàng trăm học viên. Anh gặp không biết bao nhiêu tình huống đứng tim. “Nhiều người lấy bằng rồi nhưng kỹ năng chạy xe, xử lý tình huống của họ chưa vững, cần phải học thêm mới tính chuyện mua xe cũ hay mới”.
Một bạn đọc khác cho rằng lái xe tưởng dễ mà khó, khó mà dễ. Tâm thái tự tin, nhẹ nhàng, tập trung sẽ mau lái giỏi.
“Với vợ tôi thì tôi mua chiếc xe nhỏ gọn và là xe mới. Cuối tuần đưa vợ ra khu đường vắng vừa ngắm cảnh vừa tập lái thêm cho thạo.
Tôi thấy bà xã lái tự tin, có điều hơi lúng túng và dễ giật mình khi gặp tình huống bất ngờ. Này phải lái nhiều mới quen được chứ”, bạn đọc này bình luận.
Sau khi lấy bằng lái xe, bạn đọc Minh Tâm cho biết bản thân tập lái thêm bằng cách chạy xe khoảng cách gần, chạy chậm. Rồi ông chạy nội thị, chạy đường hẻm, chạy khu vực chợ.
Ông cũng tập phản ứng tình huống, phản xạ chân phanh, chân ga, chấp nhận có va quẹt.
Sau đó, ông chạy ra quốc lộ, tập chạy vượt xe tải, tránh xe đối diện, phản ứng tạt đầu xe… Tiếp tục, ông mở Google Map, từ từ nhập làn chạy cao tốc…
“Lái mới các bạn phải cẩn thận, tỉnh táo. Phải thuộc lòng luật giao thông. Trên xe mới cần trang bị thêm các thiết bị giám sát tốc độ, cảnh báo, dẫn đường…”, bạn đọc này đúc kết.
Anh Minh Sang cho biết đã có bằng lái từ năm 2000 nhưng không tự tin cầm lái. Sau này có xe, anh nhờ người quen đi theo kèm để an toàn cho mình và cho mọi người.
Mua xe rồi sử dụng hay bỏ xó
Bạn đọc hdng****@gmail.com nhận xét không biết có bao nhiêu người mua xe mà thực sự sử dụng hàng ngày.
Đồng tình, anh Lê Quang Duy cho biết bản thân mua xe hai năm nay nhưng chắc đi được chục lần. “Còn lại toàn bạn bè thân, người thân mượn đi đây đi đó. Mình vẫn vui vẻ cho mượn. Nhưng về xe trầy xót ruột lắm mà vẫn cười hoà. Mua xe để đó thì không nên mua phí tiền”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tranh-luan-moi-biet-lai-mua-xe-cu-hay-moi-xe-nao-roi-chang-tray-quan-trong-la-lai-kieu-gi-20240906163554933.htm