Mạng xã hội mới đây bùng lên tranh luận liên quan đến bảng hiệu chỉ dẫn ở tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tại TP.HCM. Cụ thể, bảng hiệu “đi Bến Thành” được dịch là “for Ben Thanh”, khiến nhiều người nghi ngờ phần dịch dùng sai giới từ. “Mình nhớ hồi xưa đi học chữ ‘đi’ tiếng Anh là ‘to go’ mà, hay là bây giờ từ vựng được thay đổi?”, một tài khoản thắc mắc.
Giới từ ‘for’ cũng chính xác, vì sao?
Thạc sĩ Đỗ Nguyễn Đăng Khoa, tốt nghiệp ngành giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Warwick (Anh) và là học giả Hornby 2021, cho biết dùng giới từ “for” trong trường hợp nêu trên là đúng ngữ pháp tiếng Anh. Bởi, theo từ điển Cambridge (Anh), trong một số ngữ cảnh, “for” cũng mang nghĩa “hướng tới” (towards) chứ không chỉ có “to”.
Trang này nêu ví dụ: “It says this train is for Birmingham and Coventry only” (tạm dịch: Trên này ghi tàu này chỉ tới Birmingham và Coventry).
Video tư liệu ghi âm thông báo trong một ga tàu tại London, Anh cũng dùng “for”: “The next station is King’s Cross St. Pancras. Change for the Victoria, Northern, Hammersmith & City, Metropolitan, and Circle Lines, and national & international rail services” (tạm dịch: Ga tiếp theo là King’s Cross St. Pancras. Quý khách có thể chuyển sang tuyến đến Victoria, Northern, Hammersmith và City, Metropolitan và Circle, cũng như các dịch vụ đường sắt nội địa và quốc tế).
Tuy nhiên, anh Khoa cũng lưu ý có một số trường hợp lại dùng “to” thay vì “for”. Chẳng hạn, tại ga Kings Cross cũng tại London, thông báo sẽ là: “Platform 9 for the 15:48 Hull Trains service to Hull” (tạm dịch: Tàu Hull Trains tới Hull, khởi hành lúc 15:48, sẽ xuất phát từ sân ga số 9). Một số ứng dụng tra cứu chuyến tàu như Trainline (Anh) và Amtrak (Mỹ) cũng dùng cụm “from – to” chứ không phải “from – for”, anh Khoa lưu ý.
“Tóm lại, ‘for’ và ‘to’ đều đúng”, chuyên gia ngành giảng dạy tiếng Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thái Dương, giáo viên dạy tiếng Anh ở TP.HCM thu hút 1,3 triệu người theo dõi, chia sẻ trên trang chủ rằng từ “for” nằm trong cụm “bound for” (đi đến và thường dùng cho các phương tiện công cộng như tàu điện, tàu hỏa, máy bay. Vì vậy, “for Ben Thanh” vẫn chính xác. “Ngoài ‘to’ ra, người ta đôi khi cũng dùng ‘for’ để nói về điểm đến, như ‘leave for’, ‘head for’; sau từ ‘for’ là điểm đến”, anh Dương viết.
Thạc sĩ Bùi Minh Đức, tốt nghiệp ngành truyền thông tại ĐH Clark (Mỹ), cũng trao đổi với giảng viên của mình tại Mỹ hiểu thêm về vấn đề này. Theo đó, “for” tuy ít phổ biến, nhưng nếu điểm đến là điểm cuối thì “for Ben Thanh” cũng không sai. Còn trong trường hợp Bến Thành là điểm cuối nhưng biển hiệu dùng “to”, người ta thường phải chú thích thêm đó là “final stop” (trạm dừng cuối) hoặc “terminal” (ga cuối) để làm rõ.
Nước ngoài dùng cả ‘for’, ‘to’?
Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản còn nêu ý kiến về việc các nước dùng “for” hay “to” trong biển chỉ dẫn metro. Nhiều người dùng cho biết một số quốc gia hay vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan dùng “for”, đính kèm ảnh minh họa. Trong khi đó, một số quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada và Úc lại chuộng dùng “to” hơn trong những biển báo chỉ dẫn.
Ông Lê Ngọc Thảo, giáo viên luyện thi IELTS ở TP.HCM, thì đề xuất thay vì dùng “to” hay “for”, đơn vị quản lý metro có thể ghi thẳng ra là “Ben Thanh”, “Ben Thanh Station” trong trường hợp điểm đến đang là Ga Bến Thành; hay chỉ cần để dấu mũi tên cạnh chữ “Ben Thanh” nếu đoàn tàu hướng về phía Bến Thành, có thể là trạm tiếp theo hoặc 2, 3 trạm nữa mới đến. Điều này sẽ giúp hành khách dễ hình dung hơn khi đi tàu.
Vấn đề dịch thuật biển hiệu hướng dẫn ở các hệ thống metro thời gian qua cũng liên tục nhận được nhiều chú ý. Trước đó, truyền thông cũng từng tranh luận về việc sử dụng từ “ke ga” để giải nghĩa cụm “platform” theo luật định, thay vì dùng từ “sân ga” vốn thông dụng và dễ hiểu với đại chúng hơn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tranh-luan-for-hay-to-ben-thanh-gioi-tu-nao-dung-trong-bien-chi-dan-metro-185241229060741836.htm