THÔNG TIN TRANH
LỢN KIM HOÀNG
Chất liệu: Sơn mài khắc – KT: 70 x 90 cm
Phóng tác theo tranh dân gian Kim Hoàng
Nói đến tranh lợn, trong kí ức của nhiều người chỉ hiện lên hình ảnh đàn lợn âm dương hay con lợn ăn cây ráy cũng có xoáy âm dương trong tranh Đông Hồ. Có một bức tranh con lợn khác cũng rất đáng yêu thuộc dòng tranh dân gian Kim Hoàng nổi tiếng của xứ Đoài xưa. Chỉ có điều, do dòng tranh Kim Hoàng đã thất truyền từ năm 1945 và mới được phục hồi nên ít người để ý. Điều dễ dàng nhận thấy lợn trong tranh Kim Hoàng là lợn độc, tức là chỉ có một con. Con lợn này cũng độc đáo khi được hình tượng hóa, chiếc mũi giống như một đám mây trong bức tranh cổ. Cái tai của lợn chỉ là một họa tiết hình xoắn ốc với các nét phẩy bút song song hướng về phía sau.
Các nét vẽ dọc thân của con lợn không những mang đến cảm giác về sự “chảy xệ” do con lợn mũm mĩm, chũn chĩn mà còn khiến nhịp của hình thêm vui mắt. Bốn chiếc chân bé xíu đỡ cả thân hình tròn vo càng mang đến vẻ đáng yêu của con vật đồng thời bao hàm ước mong về sự tròn trịa, sung túc, phát triển của mọi người trong năm mới. Sự tương phản ba màu trắng, đỏ, vàng của bức tranh lợn làm cho bức tranh có vẻ khúc chiết, cô đọng, mang tính tượng trưng cao trong khi đó những nét vẽ mềm mại uyển chuyển cho thấy sự sáng tạo, phóng khoáng của các nghệ nhân dân gian xưa.
Ngoài ra lợn trong dân gian tượng trưng cho tiền bạc và chính là một tài sản lớn của gia đình, chính vì thế tranh lợn đàn có tác dụng phong thủy về việc chiêu tiền tài, lộc rất tốt. Lợn còn tượng trưng cho sự vô tư, an nhàn, giải quyết mọi việc nhanh chóng, tiện lợi hơn nên khả năng thành công cũng cao hơn.