Theo Ars Technica, việc Canon áp dụng mô hình trả phí cho phần mềm EOS Webcam Utility Pro đang gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng nhiếp ảnh. Một người dùng chia sẻ trên blog cá nhân câu chuyện về việc phải trả phí để sử dụng chiếc máy ảnh Canon PowerShot G5 X Mark II trị giá 900 USD như một webcam chất lượng cao.
Nếu chỉ sử dụng bản miễn phí, phần mềm chỉ cung cấp video ở độ phân giải 720p, 30 fps (tốc độ khung hình trên giây) và không cho phép điều chỉnh thông số hình ảnh. Để mở khóa các tính năng cao cấp hơn, bao gồm video 60 fps, người dùng buộc phải trả 5 USD/tháng hoặc 50 USD/năm.
Đa số người dùng cho rằng Canon là một công ty sản xuất phần cứng, không phải phần mềm, và họ nên cung cấp phần mềm hỗ trợ đúng với mục đích sử dụng của máy ảnh. Mô hình thu phí này không có cơ sở thuyết phục, nhất là khi lợi nhuận của công ty đạt gần 3 tỉ USD.
Một trong những lý do khiến nhiều người dùng bức xúc là do các máy ảnh cao cấp thường có các tính năng như cổng HDMI hoặc USB-C, giúp kết nối và sử dụng máy ảnh như một webcam. Tuy nhiên, việc sử dụng các tính năng trên một số máy ảnh Canon lại yêu cầu thêm thiết bị hỗ trợ hoặc phần mềm bên thứ ba, như Magic Lantern hoặc CHDK, vốn là các giải pháp mã nguồn mở nhưng không phải lúc nào cũng ổn định.
Dù phần mềm EOS Webcam Utility Pro cung cấp nhiều tiện ích, mô hình thu phí định kỳ của Canon bị đánh giá là không công bằng với người dùng đã đầu tư lớn vào thiết bị. Nhiều ý kiến cho rằng việc tích hợp phần mềm webcam cơ bản vào chi phí ban đầu của máy ảnh là điều cần thiết, đặc biệt khi nhu cầu sử dụng máy ảnh như webcam ngày càng phổ biến trong công việc và học tập trực tuyến.
Hiện tại, Canon chưa đưa ra phản hồi chính thức về các chỉ trích này. Trong khi đó, các thảo luận về vấn đề vẫn tiếp tục diễn ra, xoay quanh câu hỏi liệu một hãng sản xuất máy ảnh lớn như Canon có nên áp dụng mô hình kinh doanh dựa trên chi phí cho phần mềm hay không?
Nguồn: https://thanhnien.vn/tranh-cai-viec-canon-tinh-phi-hang-thang-cho-phan-mem-webcam-185250121102255694.htm