Thậm chí, nhà đấu giá còn để dòng chữ cảnh báo “nội dung trưởng thành” đè lên hình ảnh của bức phác họa. Muốn được chiêm ngưỡng bức phác họa này, công chúng chỉ có cách bấm vào dòng cảnh báo để xem tác phẩm trên trang chủ của nhà đấu giá.
Động thái này đã gây nên tranh cãi bởi bức phác họa được nhìn nhận như một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi một vị danh họa, nhưng cách ứng xử quá cẩn trọng của nhà đấu giá đối với tác phẩm đã khiến nhiều nhà nghiên cứu hội họa và cả công chúng cảm thấy “phân vân”.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà rất nhiều nội dung thông tin thường có dán nhãn cảnh báo để giúp người xem có sự chuẩn bị tâm lý trước. Dù vậy, việc dán nhãn cảnh báo đối với một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi một vị danh họa khiến nhiều người không đồng tình.
Bức phác họa có tên The French Bed (Giường ngủ kiểu Pháp) đã được danh họa người Hà Lan Rembrandt thực hiện vào năm 1646. Đối với nhiều người, bức phác họa này không quá nhạy cảm, chính cách ứng xử của nhà đấu giá Christie mới khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ.
Bức phác họa được đem ra rao bán trong phiên đấu giá có tên Old Masters I (Những bậc thầy xa xưa – Phần I). Cuộc đấu giá diễn ra vào ngày 7/12. Tác phẩm The French Bed được bán ra với giá 189.000 bảng (tương đương 5,7 tỷ đồng).
Trước đó, mức giá dự kiến do nhà đấu giá đưa ra nằm ở ngưỡng 250.000-400.000 bảng. Những thông tin giới thiệu về bức phác họa trên trang chủ của nhà đấu giá cho biết đây là một bức phác họa hiếm hoi có yếu tố “nóng” từng được thực hiện bởi danh họa Rembrandt.
Nhà đấu giá nhấn mạnh bức phác họa không có yếu tố… khiêu dâm, ngược lại, tác phẩm chứa đựng vẻ đẹp gợi cảm và một chút hài hước nhẹ nhàng. Chính những nhận định của nhà đấu giá xoay quanh tác phẩm càng khiến nhiều người cảm thấy lạ lùng trước quyết định ẩn tranh và “che chắn” bằng dòng cảnh báo về “nội dung trưởng thành”.
Đối với những tác phẩm hội họa được thực hiện bởi các vị danh họa, đặc biệt là những bậc thầy trong lịch sử hội họa thế giới, việc “che chắn”, làm mờ, gắn cảnh báo… khiến nhiều người thấy rằng đây là cách ứng xử thiếu tôn trọng đối với cả danh họa và tác phẩm.
Chuyên gia nghiên cứu lịch sử hội họa người Anh – ông Richard Morris – chia sẻ với giới truyền thông rằng ông chưa từng thấy một cảnh báo nào dạng này xuất hiện trên một bức tranh đem ra trưng bày giới thiệu hoặc rao bán đấu giá.
Theo chuyên gia Morris, tác phẩm có yếu tố “nóng”, nhưng không khắc họa điều gì quá nhạy cảm: “Đây là một bức phác họa thể hiện sự tân tiến, hiện đại ở thời điểm mà tác phẩm được thực hiện. Bức phác họa cho thấy tình yêu cuộc sống một cách rất chân thực.
Tôi nghĩ rằng danh họa Rembrandt hẳn sẽ bật cười vì sự cẩn trọng mà hậu thế đem áp dụng đối với bức phác họa của ông”.