ĐẮK NÔNG Vườn ‘trái cây vua’ này không chỉ mang lại giá trị cao, bền vững mà còn là điểm tham quan, học hỏi của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh, thu hút khách du lịch.
ĐẮK NÔNG Vườn ‘trái cây vua’ này không chỉ mang lại giá trị cao, bền vững mà còn là điểm tham quan, học hỏi của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh, thu hút khách du lịch.
Đó là trang trại măng cụt mang thương hiệu Gia Ân nằm tại bon S’rê Ú (hay thôn 8), xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Chủ trang trang là ông Trần Quang Đông, 64 tuổi, người được coi là tiên phong làm mô hình nông nghiệp hữu cơ ngay từ khi mới khởi nghiệp.
Vùng đất nâng giá trị trái măng cụt
Trang trại của gia đình ông Đông có diện tích 20ha, trong đó có hơn 8ha măng cụt (được mệnh danh “trái cây vua”), còn lại là các cây khác như bơ, sầu riêng cùng một số cây gỗ lâu năm như sao đen, giáng hương, căm xe. Những vạt rừng này trồng bao quanh trang trại, làm “lá chắn” cho vườn cây trái hữu cơ an toàn.
Để có được trang trại rộng 20ha với nhiều cây ăn trái đẹp như hôm nay, vợ chồng ông Đông và sau này là các con, cùng với hàng chục nhân công khác đã phải mất nhiều năm đổ mồ hôi, công sức.
“Vợ chồng tôi từ Hóc Môn (TP.HCM) lên đây lập nghiệp từ gần 30 năm trước. Khi đó vùng này đất rộng, người thưa, giá đất còn rẻ, chỉ cần có sức, cần cù, chịu khó là có đất, có rẫy canh tác. Ở một thời gian, tôi thấy thời tiết, khí hậu ở đây rất tốt, đất đai màu mỡ, lại rất trong lành vì chưa nhiều có người canh tác. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái. Trong khi đó, từ bé tôi đã mê ăn trái măng cụt, hỏi thăm mới biết đã có người mang cây măng cụt từ Bến Tre lên đây trồng rồi nên cất công tìm hiểu thêm.
Măng cụt là cây đại mộc, thuộc họ bứa, được trồng ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, tôi thấy cây này chủ yếu trồng ở phía Nam. Sau khi nắm được cơ bản đặc tính sinh trưởng, thời tiết, thổ nhưỡng vùng trồng măng cụt ở Lái Thiêu (Bình Dương), tôi thấy Đắk Nông có thể phù hợp trồng cây này nên năm 2000 tôi bắt đầu mua cây giống măng cụt về trồng trên diện tích 1ha, sau khi thấy cây sinh trưởng tốt mới tiếp tục nhân rộng”, ông Đông kể.
Theo ông Đông, măng cụt cây thực sinh như cây rừng, phát triển chậm, vì thế 3 năm đầu mới trồng cần phải che chắn để giữ nước. Cây càng lớn thì bộ rễ càng cắm sâu, sẽ tự hút nước. Về sâu bệnh, măng cụt có nhựa chát, có thể kháng lại một số loài côn trùng, sâu hại nên việc phòng trừ cũng không khó như cây sầu riêng hay một số cây ăn trái khác.
“Tôi không dùng thuốc hoá học để phòng trừ sâu bệnh cho cây măng cụt mà chỉ xịt tinh dầu để xua đuổi côn trùng, bảo vệ lá non và trái. Ngoài ra, để phòng ruồi vàng đục trái, tôi dùng bẫy sinh học là những chai nhựa đục lỗ, bên ngoài bôi chế phẩm sinh học rồi treo lên thân cây để dẫn dụ ruồi vàng”, ông Đông nói.
Ông Đông cho biết, vùng Đắk Nông rất phù hợp với các cây trồng dài ngày như cà phê, sầu riêng, măng cụt. Một điểm đặc biệt nữa là do đặc thù của thời tiết, khí hậu và cao độ nên cây măng cụt và sầu riêng trồng ở Đắk Nông thường ra trái và thu hoạch muộn hơn vài tháng so với các tỉnh khác.
“Như ở đây khoảng tháng 4 cây bắt đầu ra hoa, khi các vùng khác đã hết vụ thì ở đây mới bắt đầu thu hoạch. Đây là một lợi thế rất lớn đối với các nhà vườn. Nhất là khi sản phẩm có chứng nhận nguồn gốc, thương hiệu”, ông Đông đánh giá.
Xuất khẩu giá cao hơn vài lần
Ngay từ khi bắt đầu trồng măng cụt, ông Đông đã kiên định chủ trương phải làm ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, mặc dù khi đó khái niệm hữu cơ còn khá xa lạ, ngay bản thân ông cũng chưa biết quy trình hữu cơ là như thế nào.
“Hồi xưa tôi từng hàng ngày chứng kiến những người trồng rau xung quanh nhà bón phân chuồng chưa qua xử lý, hôi thối, ô nhiễm kinh khủng, suốt ngày ngửi mùi hôi mà nhức đầu. Chưa kể, họ phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích vô tội vạ, loại rau đó chỉ mang đi bán chứ họ ăn loại rau trồng riêng. Nhưng dù không ăn, bản thân họ và người xung quanh, trước hết là người nhà, sau là hàng xóm rồi đến những người tiêu dùng mua phải rau nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu độc hại mà không biết. Vì thế khi lên đây làm nông trại, tôi luôn tự nhủ phải làm cho đàng hoàng để bản thân không phải áy náy. Quan trọng hơn là làm cho mình, cho người nhà mình cùng ăn, cùng khoẻ”, ông Đông tâm sự.
Ban đầu, ông chỉ canh tác “sạch” theo hiểu biết của mình, đó là hạn chế, không dùng phân bón hoá học, phân chuồng phải qua ủ hoai, không dùng các loại hoá chất, thuốc trừ sâu độc hại. Cây, cỏ dại chỉ phát quang xung quanh gốc cây, còn lại vẫn cho chúng phát triển, mục đích là tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng sinh sống, giữ ẩm cho đất.
Chính vì thế, sau khi được ngành chức năng hướng dẫn quy trình canh tác an toàn, ông làm theo và thấy không khác mấy so với cách ông vẫn làm lâu nay. Đến năm 2013, ông bắt đầu được hướng dẫn canh tác theo quy trình GlobalGAP và từ năm 2016 đến nay, năm nào vườn măng cụt của ông cũng đạt tiêu chuẩn canh tác sạch toàn cầu. Hiện nay, sản phẩm măng cụt của trang trại Gia Ân của ông là một trong số ít nông sản của tỉnh Đắk Nông được công nhận OCOP 4 sao.
Ông Đông cho biết, canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP ngoài nắm vững kỹ thuật còn phải theo dõi thường xuyên các bước trong quy trình, từ làm đất đến chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản.
“Mỗi giai đoạn của cây, từ ra bông, đậu trái đến thu hoạch sẽ chia ra nhiều thời điểm, mỗi thời điểm lại có một công thức bón phân, tưới nước khác nhau. Rồi đến khi thu hoạch cũng vậy, sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng những tiêu chí như thế nào, tất cả được quy dịnh chi tiết, cụ thể và ghi chép đầy đủ trong nhật ký. Từ nhật ký này có thể đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm và khi lỡ xảy ra sự cố có thể truy từ nhật ký để biết sai sót từ đâu”, ông Đông nói.
Từ nhiều năm nay, sản phẩm măng cụt Gia Ân được một doanh nghiệp bao tiêu một phần để xuất khẩu đi Hà Lan với giá cao gấp 3 – 4 lần bán trong nước, còn lại được bán tại các thị trường lớn trong nước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt, Đà Nẵng. Tất cả đều được dán tem truy xuất nguồn gốc và giá cũng cao hơn thị trường…
“Muốn phát triển bền vững và tăng giá trị sản phẩm, được đón nhận ở những thị trường cao cấp trong và ngoài nước thì chỉ có một con đường, đó là làm ra sản phẩm đẹp từ trong ra ngoài. Tức là hình thức đẹp, ăn ngon và an toàn. Mà muốn làm được vậy thì bắt buộc phải canh tác theo quy trình hữu cơ”, ông Trần Quang Đông nhấn mạnh.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/trang-trai-trai-cay-vua-canh-tac-huu-co-xuat-khau-gia-cao-chot-vot-d409557.html