Công nghệ đắp chiếu
Theo Công Ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống (trụ sở tại TPHCM), thời điểm ký hợp đồng, Dakruco cung cấp đất hợp tác đã được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho chuyển đổi để trồng các loại cây nông nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao tại công văn số 2420/UBND-NN&MT ngày 29-3-2019 ở nông trường cao su Cư Bao (Thị xã Buôn Hồ).
Đang trong quá trình đầu tư, tháng 4-2020, UBND tỉnh đã lập đoàn thanh tra Dakruco về sử dụng đất đai và lao động.
Nhất Thống đầu tư khoảng 130 tỷ đồng hệ thống nông nghiệp công nghệ cao |
Theo kết luận Thanh tra của UBND tỉnh, ngày 18-9-2019, Dakruco có ký hợp tác với Công ty TNHH Tuấn Hưng Tây Nguyên với diện tích triển khai hơn 113ha, thời hạn thực hiện hợp đồng là 24 năm. Cùng thời điểm, Dakruco hợp tác với Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống diện tích hơn 275ha, thời hạn thực hiện hợp đồng là 24 năm.
Thời điểm thanh tra, Tuấn Hưng Tây Nguyên đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để trồng các loại cây ngắn ngày đan xen với cây lâu năm như chuối xen bơ, mít và sầu riêng với diện tích khoảng 109ha; xây dựng một số hạng mục công trình nhà xưởng, nhà ở công nhân, nhà kho vật tư, nhà ăn tập thể và hồ chứa nước.
Tương tự, Nhất Thống đầu tư khoảng 130 tỷ đồng để trồng bơ, xoài, sầu riêng, ca cao, khoai lang, chuối trên diện tích khoảng 257ha; xây dựng nhà màng, nhà lưới, các chuồng, trại chăn nuôi bò, heo, gà, vịt, trùn quế với diện tích khoảng 7ha; trạm bơm, nhà kho, hồ chứa nước với diện tích khoảng 0,72ha.
Theo Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh, ngày 29-3-2019, UBND tỉnh có Công văn số 2420 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Dakruco.
Theo đó, UBND tỉnh đồng ý giao cho người đại diện vốn nhà nước tại Dakruco biểu quyết đồng ý chủ trương cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Như vậy, UBND tỉnh chưa có văn bản đồng ý chủ trương cho Dakruco thực hiện dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nông trường cao su Cư Bao.
Mặt khác, Dakruco chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk thành công ty cổ phần từ năm 2018. Theo quy định, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai.
Tuy nhiên, thời điểm thanh tra, Dakruco vẫn chưa được UBND tỉnh ký lại hợp đồng cho thuê đất theo quy định. Thêm nữa, phần diện tích đất này được UBND tỉnh cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm. Vì vậy, Dakruco hợp tác đầu tư sản tác kinh doanh sản xuất nông nghiệp số Tuấn Hưng Tây Nguyên và Nhất Thống là không thuộc các quyền của tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm quy định tại khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, Nhất Thống và Tuấn Hưng Tây Nguyên dừng việc trồng mới các loại cây ăn quả, có chu kỳ dài ngày và xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Cần có sự hài hòa để phát triển chung
Trong những ngày giữa tháng 5, trang trại Nhất Thống tại tỉnh Đắk Lắk chỉ hơn 100 con bò gầy guộc đang thả rông ăn từng đám cỏ, bụi chuối mà không có người chăm. Trồng xen canh với cây ca cao, sầu riêng, những cây chuối già Nam Mỹ mới trổ buồng nhưng cũng không thu hoạch được do chất lượng kém. Khu vực trồng cây xoài thì cỏ mọc cao hơn 30cm, đan xen với trụ tiêu, cà phê. Bên cạnh đó, nhà màng, chuồng trại, trạm bơm nước… cũng “đắp chiếu”.
Trang trại Nhất Thống tạm dừng hoạt động hơn 1 năm gây thiệt hại lớn |
Ông Phạm Hữu Thời, Giám đốc Nhất Thống rầu rĩ tâm sự, theo kết luận, chỉ có thể trồng được cây ngắn ngày. Tuy nhiên, mô hình kinh tế tuần hoàn phải có chất thải của sản phẩm này lại là nguồn dinh dưỡng của sản phẩm khác nên Nhất Thống không thể tiếp tục đầu tư. Do đó, Nhất Thống đề xuất ký lại hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Nhất Thống và Dakruco phải tách phần đất trên cho pháp nhân mới được lập theo hợp đồng hợp tác mới và ghi nhận tỷ lệ góp vốn thực trên giá trị của hai bên đã đầu tư.
Sau khi có kết luận thanh tra, tháng 7-2022, Dakruco có văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề xuất phương án hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng và tái ký hợp đồng hợp tác kinh doanh sau khi thực hiện các thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm chuyển tiếp quá trình hợp tác sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Nhất Thống đồng ý ký lại hợp đồng nhưng lại mong muốn được tiếp tục đầu tư thực hiện dự án này theo hình thức thuê đất trực tiếp để đầu tư độc lập. Do đó, vấn đề này, không thuộc thẩm quyền của Dakruco và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty. Vì vậy, công ty đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo và có hướng dẫn để Dakruco tổ chức thực hiện.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương trao đổi với báo chí |
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, tháng 1-2023, sở có nhận được công văn của Sở KH-ĐT tỉnh đóng góp ý kiến về xử lý kiến nghị cho Nhất Thống. Sở NN-PTNT có báo cáo UBND tỉnh xem xét kỹ vấn đề này khi giải quyết kiến nghị của Nhất Thống, nếu không sự việc sẽ kéo dài dai dẳng và việc sử dụng đất sẽ kém hiệu quả, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của cả 2 doanh nghiệp và phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Căn cứ theo tình hình sử dụng đất của Dakruco việc công ty có trả lại hay không thì chỉ có quyền nêu ý kiến, còn UBND tỉnh sở hữu 98,94% cổ phần mới là người quyết định. Mặt khác, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, khi tỉnh có chủ trương kêu gọi đầu tư trên diện tích đất Dakruco đang quản lý và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư thì Dakruco bàn giao về cho tỉnh để triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Theo Sở NN-PTNT, tại điểm d, khoản 3, điều 62 của Luật Đất đai 2013, HĐND tỉnh có thể thu hồi đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như triển khai các dự án sản xuất, chế biến nông sản tập trung. Sau khi thu hồi đất sẽ tổ chức đấu thầu dự án, nếu đơn vị trúng thầu là Nhất Thống sẽ tiếp tục thuê đất để thực hiện, nếu đơn vị khác trúng thì sẽ trả lại phần đã đầu tư cho Nhất Thống.
Đối với dự án liên kết với Nhất Thống và Dakruco được mong đợi có nhiều tiềm năng phát triển tốt. Nhất Thống đã được tỉnh, Bộ NN-PTNT, đánh giá cao do sản xuất mô hình hữu cơ kinh tế tuần hoàn, không gây ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Có thể thấy, doanh nghiệp đầu tư sẽ trở thành hạt nhân để lan tỏa cho nông dân phát triển.