(Dân trí) – Khi nước tràn đồng, cũng là lúc người dân miền Tây ngày đêm đánh bắt các sản vật do thiên nhiên ban tặng để sử dụng và đem bán kiếm thêm thu nhập.
Nông dân An Giang tất bật săn “lộc trời” khi cánh đồng ngập nước (Video: Bảo Kỳ).
2h sáng, trong màn đêm lạnh lẽo, lũ đầu mùa đang tràn khắp các cánh đồng ở xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Nơi này chỉ cách biên giới Campuchia vài trăm mét, những ánh đèn pin lập lòe đang dầm mình trong gió lạnh để săn cá linh (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Theo chân vợ chồng chị Trương Thị Bích (xã Phú Hội, huyện An Phú) ra khu vực giữa đồng, nơi đặt gần 20 cái dớn để đón những luồng cá linh theo con nước lũ.
Hơn chục ngày nay, hai vợ chồng chị Bích đều thức dậy từ 2h để đi ghe ra cánh đồng nước lũ thu dớn, với hy vọng đón được những mẻ cá linh non đầu mùa để bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình (Ảnh: Hải Long).
Dỡ đến cái dớn thứ 4-5 nhưng cả hai vợ chồng chỉ đành thở dài vì mỗi lần đổ dớn, chỉ lác đác vài con cá rô đồng, cá lòng tong, cá tạp.
“Cả tuần nay không biết cá đi đâu hết, chỉ có một ít cá tạp, cá linh gần như biến mất, thậm chí có dớn đổ ra không có con cá linh nào. Những năm trước đây, nếu nước lên cao như vậy thì cá chạy cả đàn, nhưng năm nay chả được bao nhiêu. Chắc là nước lên cao nên cá không chạy nữa”, chị Bích nói (Ảnh: Hải Long).
Ngồi bó gối trên ghe để tránh những làn gió bấc lúc rạng sáng, ánh mắt chị Bích đượm buồn sau những mẻ dớn thiếu vắng cá linh. Theo chị Bích, vài năm trước khi đến mùa nước nổi, cá linh nhiều vô kể, mỗi đêm kiếm được trên 1 triệu đồng là chuyện thường.
“Vài năm trở lại đây, lũ về thấp, có năm hóng mãi nhưng lũ không về, cá tôm ít dần, thu nhập của chúng tôi cũng bấp bênh. Giờ mỗi đêm kiếm được 200-300 nghìn là may lắm rồi”, chị Bích chia sẻ (Ảnh: Hải Long).
Sau nhiều giờ mưu sinh trên cánh đồng nước, hai vợ chồng chị Bích chỉ thu về vài cân cá tạp. Chiếc xuồng nhỏ tiếp tục di chuyển len lỏi qua những hàng cột buộc dớn, ánh đèn pin leo lét rồi dần khuất trong đêm tối (Ảnh: Hải Long).
Người dân đánh bắt cá dọc tuyến biên giới ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp nơi đầu nguồn của sông Mekong chảy qua Việt Nam cũng bất ngờ khi lũ năm nay về nhanh nhưng cá tôm vẫn chưa chịu về.
Bình minh dần ló rạng, những chiếc ghe lênh đênh suốt đêm bắt đầu họp chợ ở giữa cánh đồng biên giới xã An Phú để mua, bán những sản vật mùa nước nổi như: cá tôm, cua, chuột, rắn… (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Bà Hồ Thị Nói (thương lái chuyên thu mua cá) cho biết, khoảng một tháng trước khi nước đầu nguồn mới về, cá nhiều hơn, bà con đánh bắt cũng nhiều nên làm ăn thuận lợi.
“Hiện giờ con nước đã lên cao, cá không còn chạy theo con nước nữa, sản lượng giảm nên người bán buồn, người mua cũng buồn theo”, bà Nói cho hay (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Khu chợ tạm họp trên cánh đồng nước nổi này bắt đầu từ 4h đến 7h hàng ngày. Trước đây, cảnh buôn bán nhộn nhịp, mỗi lần họp chợ không dưới 30 chiếc ghe, nhưng càng ngày số lượng người đánh bắt càng ít, người họp chợ cũng từ đó mà thưa dần (Ảnh: Hải Long).
Đi xuôi về hạ nguồn con nước, trên kênh Vĩnh Tế (xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), mực nước ở đây thấp hơn thượng nguồn. Bà con nơi đây bắt đầu mùa săn cá linh và các sản vật mùa nước nổi (Ảnh: Hải Long).
Ghé vào một xóm nhỏ bên bờ kênh Vĩnh Tế, người dân đang tất bật chuẩn bị sửa sang lại ngư cụ để ra đồng săn cá linh (Ảnh: Hải Long).
Ông Tạ Văn Trường (xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc), một trong những người theo nghề đánh bắt cá lâu đời ở khu vực này đang chuẩn bị thêm gần 500 cọc cắm dớn mới.
“Mấy năm trước nước thấp, cá về ít nên không dám đầu tư gì vì sợ lỗ, năm nay khi nước về cao hơn, tôi phải đầu tư gần 40 triệu đồng để mua lại một số cọc cắm dớn, thay cho các cọc đã cũ. Hy vọng sẽ có một mùa cá khấm khá, kiếm thêm được chút thu nhập cho gia đình”, ông Trường chia sẻ (Ảnh: Hải Long).
Khác với con nước đầu nguồn, ở kênh Vĩnh Tế nước vẫn chưa quá cao, cá linh vẫn đi theo dòng nước, người dân bắt đầu thăm dớn để bắt cá từ 7h đến 8h để mang về bán cho thương lái (Ảnh: Hải Long).
Những mẻ cá linh đầu tiên sau một đêm đặt dớn của ông Trường. Theo ông Trường, năm nay nước lên cao hơn nên lượng cá linh về cũng nhiều gấp đôi năm trước.
“Trước đây cá nhiều, mỗi một buổi đi đổ dớn, tôi kiếm cả triệu bạc mỗi ngày. Nhưng mấy năm nay cá ít hơn, trung bình kiếm mỗi ngày 400-500 ngàn”, ông Trường nói (Ảnh: Hải Long).
Đầu mùa, cá linh non được bán với giá trên 100.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giữa mùa, cá linh chỉ có giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg/loại nhất. Có một số loại cá linh già, cá linh rìa ít người ăn được bán với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg (Ảnh: Hải Long).
Các mẻ cá linh được chủ ghe mang về và phân loại, thương lái sẽ cân và thu mua tại chỗ. Sau khi thu mua, cá linh được đưa về bán tại các chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn khắp tỉnh An Giang và các tỉnh thành lân cận (Ảnh: Hải Long).
Lũ về mang theo nhiều sản vật cho người dân miền Tây. Trong đó, cá linh non – một đặc sản trứ danh rất riêng chỉ có ở miền Tây Nam Bộ và chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi.
Loại cá này thường có từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch, tại các tỉnh vùng biên giới như An Giang, Đồng Tháp, hình ảnh người dân đi giăng lưới, đặt lờ, đặt dớn,… đánh bắt cá linh non đầu mùa trên các cánh đồng đã không còn xa lạ (Ảnh: Hải Long).
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/trang-dem-san-san-vat-mua-nuoc-noi-o-mien-tay-20241008015404126.htm