Một điểm hư hỏng nặng trên đường huyện 12.
Đường huyện 12 của thị xã Trảng Bàng- bắt đầu từ ngã ba Sóc Lào thuộc xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng đến ngã tư Nông Trường- là tuyến đường giao thông quan trọng, vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Phước Đông (gọi tắt là KCN Phước Đông), huyện Gò Dầu ra đường 789 về TP. Hồ Chí Minh là con đường đi lại hằng ngày của hàng ngàn công nhân và người dân hai xã Đôn Thuận và Hưng Thuận. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, tuyến đường này xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Người dân bức xúc
Theo người dân địa phương, từ khi KCN Phước Đông đi vào hoạt động, lưu lượng phương tiện di chuyển trên tuyến đường huyện 12 tăng lên nhiều lần. Nhiều xe có tải trọng lớn vận chuyển nguyên, vật liệu phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình đã làm tuyến đường này nhanh chóng xuống cấp. Dù đã được chính quyền địa phương nhiều lần sửa chữa, nhưng đến nay, tình trạng hư hỏng vẫn chưa được khắc phục, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Văn Sáng, ngụ ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận cho biết, hằng ngày có hàng trăm lượt phương tiện, chủ yếu là xe máy hai bánh của những người làm việc trong KCN Phước Đông di chuyển trên tuyến đường này. Thời điểm tan ca của công nhân, lượng xe di chuyển rất đông, người điều khiển phải đi chậm để tránh những viên đá to nằm lăn lóc trên đường. Việc xảy ra tai nạn, té ngã thường xuyên, nhẹ thì trầy xướt thân thể, một vài trường hợp bị gãy chân, gãy tay.
Nói đến tình trạng hư hỏng đường huyện 12, ông Quý, nhà gần Trường tiểu học Bời Lời 2 lắc đầu ngao ngán: “Lần nào tiếp xúc cử tri, người dân cũng có ý kiến phản ánh tình trạng đường hư hỏng; lần nào các đại biểu cũng hứa hẹn sẽ đầu tư, nâng cấp… nhưng đã hơn ba năm nay, tuyến đường này vẫn vậy. Trong khi đó, tình trạng xuống cấp ngày càng nặng hơn”.
Chị Bích Thuỷ, ngụ ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận đang làm việc tại KCN Phước Đông cho biết, đường huyện 12 là con đường gần nhất để chị đi làm việc hằng ngày. Thế nhưng, đường hư khiến việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn, mặt đường bong tróc lớp nhựa, đá xanh viên to, viên nhỏ nằm lởm chởm, phương tiện phải di chuyển chậm, tập trung cao độ để quan sát, tránh cán lên những viên đá lớn, có thể gây trượt bánh xe, té ngã.
Chính quyền địa phương mong muốn tuyến đường sớm được sửa chữa
Ông Trần Văn Cảnh- Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận cho biết, những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, địa phương đã được đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần bảo đảm cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân được thuận lợi, an toàn hơn.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn xã còn một số tuyến đường bị xuống cấp, chưa được đầu tư. Trong đó, có tuyến đường huyện 12 nối từ đường 789 ra KCN Phước Đông, đây là tuyến đường do thị xã Trảng Bàng quản lý, bắt đầu xuống cấp và hư hỏng từ nhiều năm qua, khiến người dân hết sức bức xúc liên tục phản ánh đến chính quyền địa phương và trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp. UBND xã cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND Thị xã đề nghị sửa chữa tuyến đường này.
Theo ông Cảnh, năm 2021, khi xã Đôn Thuận được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, UBND Thị xã đã thực hiện việc giặm vá một số điểm hư hỏng nặng và tưới nhựa thảm lại một đoạn từ ngã ba Sóc Lào đến phần giáp ranh KCN Phước Đông (ranh giới quy hoạch giai đoạn 3 của dự án KCN Phước Đông).
Thế nhưng, do lớp nhựa mới khá mỏng nên chỉ sau một thời gian, mặt đường lại tiếp tục bong tróc, hư hỏng như hiện nay. Để bảo đảm an toàn giao thông, xã nhiều lần vận động người dân đóng góp cùng với chính quyền địa phương đổ đá để giặm vá những điểm hư hỏng nặng.
Mặt đường huyện 12 thị xã Trảng Bàng đoạn gần KCN Phước Đông bị hư hỏng.
Theo một cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thị xã Trảng Bàng, tiếp thu ý kiến của cử tri và kiến nghị của địa phương, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng Thị xã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị Thị xã và UBND xã Đôn Thuận khảo sát thực tế, đánh giá tình trạng xuống cấp của tuyến đường để trình lãnh đạo UBND Thị xã quyết định phương án đầu tư.
Trước mắt, Ban Quản lý dự án sẽ thực hiện giặm vá lại những điểm hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. Dự kiến, cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện các bước chuẩn bị đầu tư và đến năm 2024, tuyến đường này sẽ được sửa chữa.
Tháng 8.2020, Trảng Bàng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội công nhận là một trong hai thị xã trực thuộc tỉnh Tây Ninh. Theo đó, thị xã Trảng Bàng được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện.
Từ đó đến nay, Trảng Bàng tập trung huy động mọi nguồn lực để nâng cao các tiêu chí, bảo đảm các tiêu chí của đô thị loại III và phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Tây Ninh vào năm 2025, sau đó tiến tới đô thị loại II.
Nguyên An