Ninh BìnhTràng An hội tụ đầy đủ cảnh quan của một Đô thị di sản thiên niên kỷ như không gian kinh thành, cơ sở hạ tầng, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội…
Tỉnh Ninh Bình đang triển khai đề án đến năm 2030, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Theo đó, cố đô Hoa Lư chứa đựng cả một hệ sinh thái thiên niên kỷ, bao gồm di sản tự nhiên, di sản định cư, các di tích khảo cổ, lịch sử, bản sắc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị. Đô thị di sản này cũng là địa điểm linh thiêng, mang tính biểu tượng khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Tràng An đang mang sứ mệnh mới, trở thành trung tâm của Đô thị di sản thiên niên kỷ, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
Khu vực di sản quần thể danh thắng Tràng An hiện có 429 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh, được phân bố đều khắp 18 xã, phường. Đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt, chứa đựng nhiều di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng, các giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo.
Theo đó, Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, cho thấy nhiều bằng chứng về quá trình tương tác giữa người cổ với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm, từ 1.200 đến 33.000 năm trước.
Lý giải lý do chọn Tràng An, ông Ngọc dẫn chứng từ thời điểm lập hồ sơ đề cử danh hiệu di sản vào năm 2012, tỉnh Ninh Bình chỉ có trên 1 triệu lượt khách. Đến năm 2019, sau 5 năm Tràng An được UNESCO ghi danh, tỉnh đón hơn 7,65 triệu lượt, lượng khách giai đoạn 2010- 2019 tăng trưởng bình quân đạt hơn 12%/năm; doanh thu từ du lịch đạt mức tăng trưởng 24,17%/năm. Trong đó, năm 2019 đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với 2010.
Các năm 2020-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh tiếp tục được nhiều chuyên trang du lịch uy tín như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider… đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Năm 2022, du lịch Ninh Bình phục hồi mạnh mẽ, đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước; doanh thu tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm 2021. Đến năm 2023, toàn tỉnh đón 6,6 triệu lượt khách, riêng quần thể danh thắng Tràng An đón khoảng 4,6 triệu lượt, doanh thu gần 6.500 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón 3,9 triệu lượt khách, trong đó có gần 340.000 lượt khách quốc tế, đạt 52% chỉ tiêu đề ra của cả năm 2024. Danh thắng Tràng An chiếm đa số lượng khách.
Nhiều năm liền, Ninh Bình cũng giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước.
Được kiến tạo cách đây khoảng 250 triệu năm, Tràng An là khu vực có lịch sử tiến hóa địa chất đầy biến động, trải qua nhiều đợt biển tiến, biển thoái. Khối đá vôi Tràng An được các nhà khoa học đánh giá là một trong những khu vực cảnh quan đá vôi dạng nón, tháp cổ điển đẹp nhất thế giới. Hòa giữa những khu rừng nguyên sinh là các thung lũng, hang động, sông nước và đình, đền, chùa, miếu, phủ.
Nơi đây còn là cái nôi lưu giữ những nét văn hóa lúa nước, khởi đầu cho khai thác nguồn sinh dưỡng săn bắt, hái lượm từ rừng và biển, con người bắt đầu biết canh tác nông nghiệp. Qua thời gian, các lớp cư trú của cư dân cổ Tràng An cùng nhau bồi đắp nên các giá trị truyền thống trong quá trình lao động sản xuất, tạo ra những đặc trưng độc đáo của nền văn minh lúa nước.
Đặc biệt, Tràng An là một trong số ít di sản chịu sự tác động của con người, thậm chí con người và thiên nhiên hòa thuận, mang lại lợi ích cho nhau. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị di sản, để di sản thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và gìn giữ. Ước tính, số lao động trực tiếp tại khu vực quần thể danh thắng Tràng An khoảng hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người, thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương được nâng cao rõ rệt qua từng năm. Các khu, điểm du lịch trong khu di sản thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình.
Để phát triển du lịch Tràng An, từ đó làm trung tâm đô thị di sản, Ninh Bình luôn chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, khoanh vùng cấm và tạm cấm khai thác các dãy núi đá vôi, rừng đặc dụng rồi chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ “Nâu” sang “Xanh”. Tỉnh cũng vận dụng linh hoạt mô hình hợp tác công – tư, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên: Cộng đồng (người dân) – Chính quyền – Doanh nghiệp.
Kỷ niệm 10 năm quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới (2014 – 2024), tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi mang tính kết nối và lan tỏa văn hóa từ tháng 1 đến tháng 9.
Nổi bật là lễ hội và phiên chợ Tết xưa diễn ra tại khu Phố cổ Hoa Lư; hội thảo khoa học quốc tế, không gian trưng bày khảo cổ về các giá trị văn hóa của tỉnh và quần thể danh thắng Tràng An; hình ảnh về 9 khu Di sản Thế giới tại Việt Nam và tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch khảo cổ học; liên hoan văn hóa ẩm thực du lịch toàn quốc; cuộc thi sáng tác ca khúc, tác phẩm văn học về tỉnh Ninh Bình và quần thể danh thắng Tràng An; cuộc thi báo chí về để tài bảo tồn, phát huy giá trị quần thể danh thắng Tràng An, phát triển du lịch bền vững…
Lễ kỷ niệm 10 năm quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh chứa đựng nhiều kỳ vọng, phản ánh tầm quan trọng để thế giới hướng về di sản hỗn hợp duy nhất của Đông Nam Á, trái tim của Đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai không xa.
Di sản Tràng An được xem là nền tảng, là động lực để Ninh Bình có thể khai thác hơn nữa thế mạnh của vùng đất từng được xem là kinh kỳ, đô hội từ hơn 1.000 năm trước. Từ đó dần hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm tổ chức sự kiện của quốc gia, mang tầm quốc tế, điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Thanh Thư