Hội thảo khoa học “Âm nhạc thiếu nhi ở TP HCM” do Hội Âm nhạc TP HCM tổ chức, diễn ra ngày 16-8, mang đến nhiều suy ngẫm về thực trạng khan hiếm các sản phẩm nhạc thiếu nhi hiện nay.
Gần như bị bỏ quên
Hoạt động biểu diễn âm nhạc dành cho thiếu nhi là một phần quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ em, giúp trẻ phát triển về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Thế nhưng, hiện nay việc sáng tác ca khúc thiếu nhi gần như bị bỏ quên đã khiến thị trường thiếu hụt trầm trọng những ca khúc âm nhạc mới, chất lượng, dành cho trẻ thơ. Ở trường học, học sinh chỉ được học những tác phẩm âm nhạc cũ.
Các hội thi, hội diễn ca múa nhạc thiếu nhi cũng sử dụng chủ yếu những sáng tác có vài chục năm tuổi. Nhạc sĩ trẻ chỉ “mặn” sáng tác nhạc người lớn, não tình, nhạc sĩ tâm huyết với nhạc thiếu nhi lại không tìm được đầu ra cho tác phẩm, không có chi phí để đầu tư, ra mắt sáng tác mới. Thế nên, không ít ca khúc ra đời cũng chỉ nằm trên giấy. Một số nhạc sĩ không theo kịp tư duy phát triển của đời sống con trẻ hôm nay nên ca khúc không thể lan tỏa. Trong khi đó, các đơn vị nhà thiếu nhi quận, huyện luôn có nhu cầu sử dụng ca khúc mới nhưng kinh phí lại hạn hẹp, không thể đặt hàng sáng tác.
Vì thiếu ca khúc thiếu nhi hay, nên trẻ em thường xuyên xem, nghe nhạc người lớn, nhạc quốc tế (vì lý do học ngoại ngữ) hoặc nhạc thiếu nhi nước ngoài. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của trẻ. Sức hút của âm nhạc thiếu nhi hiện nay còn hạn chế. Một số chương trình truyền hình và sân khấu âm nhạc dành cho thiếu nhi chưa thu hút được sự quan tâm của khán giả nhí.
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông thừa nhận: “Hiện nay cũng có nhạc sĩ viết cho thiếu nhi nhưng bởi hạn chế nhiều yếu tố nên những tác phẩm này chưa được phổ biến rộng rãi, chưa có sức lan tỏa mạnh. Nhiều nhạc sĩ không có khả năng tài chính để tự sản xuất ca khúc; các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình, các nền tảng trực tuyến cũng không dành nhiều “đất” cho chương trình ca nhạc thiếu nhi…”.
Cần phải hiểu tâm lý trẻ
Theo các nhà chuyên môn, những năm gần đây, vẫn có một số cuộc thi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, các tác phẩm gửi dự thi khá nhiều nhưng lại thiếu những ca khúc hay như những tác phẩm viết cho trẻ em của những thế hệ trước. Bởi viết nhạc cho trẻ em vừa khó vừa ít tiền do cơ chế nhuận bút thấp lại khó nổi tiếng. Ngoài ra, sân chơi giới thiệu sáng tác mới cho thiếu nhi hầu như không có nhiều.
Nhạc sĩ Văn Thành Nho khẳng định sáng tác ca khúc cho thiếu nhi là một lĩnh vực đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự thấu hiểu về tâm hồn trẻ thơ. Trẻ em có cách nhìn nhận và cảm nhận thế giới khác với người lớn. Để sáng tác những ca khúc phù hợp với trẻ em, nhạc sĩ cần phải hiểu tâm lý, sở thích và nhu cầu của các em.
Ca khúc thiếu nhi cần có giai điệu vui tươi, dễ hát, dễ nhớ và ca từ nhẹ nhàng, dễ hiểu. Song, giai điệu và ca từ đơn giản không đồng nghĩa với việc thiếu sáng tạo. Nhạc sĩ cần phải sáng tạo sao cho ca khúc hấp dẫn và thu hút trẻ. Và đây là việc làm không dễ.
Tiến sĩ – đạo diễn Phạm Ngọc Hiền (Phòng Nghệ thuật – Tổ chức biểu diễn Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM, Trưởng Ban Lý luận, phê bình Hội Nghệ sĩ múa TP HCM) nhìn nhận: “Sự phát triển của công nghệ và đa dạng hóa trong đời sống văn hóa đã mang đến nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho âm nhạc thiếu nhi. Cần hiểu rằng sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi có những đặc trưng riêng biệt nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu và khả năng tiếp nhận của trẻ em.
Không chỉ đơn thuần là việc tạo ra những giai điệu vui tươi, sôi động, sáng tác cho thiếu nhi đòi hỏi sự tỉ mỉ trong việc chọn lựa nội dung, ngôn từ và giai điệu phù hợp với lứa tuổi. Những đặc trưng này giúp các bài hát thiếu nhi không chỉ trở thành những món ăn tinh thần thú vị mà còn là công cụ giáo dục hiệu quả, góp phần vào sự phát triển toàn diện của trẻ em. Âm nhạc dành cho thiếu nhi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, tâm hồn của trẻ”.
Các nhà chuyên môn cho rằng muốn vực dậy nền âm nhạc thiếu nhi, nhiều vấn đề cần phải đặt ra và cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Nguồn: https://nld.com.vn/trang-am-nhac-thieu-nhi-o-thi-truong-196240816195812632.htm