Thế giới càng hiện đại thì những yếu tố bản địa, yếu tố văn hóa càng được coi trọng. Những điều này đã thôi thúc chị Vũ Thị Thu Huyền (sáng lập và điều hành Dana Vegan House) khởi nghiệp và ghi dấu ấn với những sản phẩm độc đáo, ấn tượng.
Chị Vũ Thị Thu Huyền có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ, may mắn được tiếp đón nhiều vị khách quan trọng của thế giới, học được bạn bè quốc tế nhiều điều thú vị về dịch vụ và cách họ trân trọng văn hóa bản địa mỗi khi họ làm sự kiện ở Việt Nam. Với những trải nghiệm đó, chị Thu Huyền nhận ra rằng Việt Nam chúng ta có quá nhiều thứ giá trị mà thế giới chưa biết đến, mà thậm chí chính người ở trong nước cũng chưa nhìn thấy nó. Thế giới càng hiện đại thì những yếu tố bản địa, yếu tố văn hóa càng được coi trọng. Những điều này luôn thôi thúc chị bắt đầu với công việc kinh doanh ẩm thực, qua đó lan tỏa tình yêu với văn hóa bản địa của Việt Nam.
Ngoài yêu thích kinh doanh, chị Thu Huyền còn là một nhà huấn luyện doanh nghiệp. Thời gian học tập ở nước ngoài giúp chị nhận ra, có kinh nghiệm thôi chưa đủ mà quan trọng hơn trong kinh doanh cần phải luôn nỗ lực và học tập những kiến thức, công thức kinh doanh đã được thế giới hệ thống.
Những yếu tố đó đã trở thành động lực để nữ doanh nhân Vũ Thị Thu Huyền phát triển bản thân và tầm nhìn để quay trở lại kinh doanh một cách chuyên nghiệp hơn và có giá trị hơn. “Nhà chay đổi mới” – Dana Vegan House là một trong những mô hình kinh doanh chị đang phát triển.
– Dana Vegan House là một tên gọi khá ấn tượng. Liệu đây có phải là một trong những bí quyết kinh doanh chị đang vận dụng vào doanh nghiệp của mình?
Đi học tập ở bạn bè thế giới cách họ xây dựng thương hiệu, tôi nhận ra rằng làm kinh doanh không chỉ là sở hữu công việc kinh doanh, mà quan trọng hơn là sở hữu 1 thương hiệu. Nên ngay từ đầu có ý tưởng về nhà hàng chay, tôi rất trăn trở về việc lựa chọn tên gọi.
Tôi làm dịch vụ rất nhiều năm, sau này là một nhà huấn luyện, khách hàng, và được biết đến với những trải nghiệm và những chiến lược về trải nghiệm khách hàng tôi xây dựng và chia sẻ. Và khi đi phát triển bản thân, tôi mới nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng khi ta thực lòng phụng sự và toàn tâm muốn giúp đỡ họ trước, muốn mang đến sự thuận lợi cho họ trước. Và Dana chính là như vậy. Dana theo wikipedia là “any form of giving” tức là mọi hình thức của sự cho đi. Theo tiếng Phạn, Dana có nghĩa là Lòng rộng lượng. Theo đạo phật Dana cũng chính là Bố Thí, Cúng Dàng. Và đối với tôi Dana đơn giản là Phụng sự và Cho đi. Tại Dana, giá trị cốt lõi mà tôi xây dựng cũng chính là ý nghĩa của Dana – Tinh thần Phụng sự và lòng biết ơn.
– Hướng tới xây dựng một nhà hàng chay đổi mới. Vậy cụ thể, những mong muốn đổi mới gì chị gửi gắm vào dự án?
Khi tôi bắt đầu dự án, tôi nhận thấy rằng ăn chay không chỉ là vì tôn giáo. Và khi tôi đi ra thế giới, ăn chay được hiểu rất đơn giản, ăn chay chỉ là không ăn thịt. Có quá nhiều lý do để một người đến với ăn chay, chứ không chỉ vì lý do tôn giáo. Có nhiều người ăn chay vì họ không muốn ăn thịt nữa, muốn bản vệ động vật, muốn có sức khỏe tốt, muốn tìm thấy sự cân bằng của bản thân… Quan trọng hơn, dù với bất kì lí do gì, khi bạn muốn ăn chay bạn được ăn chay thì ăn chay là niềm vui của bạn! Nên ăn chay là vui và ăn chay là có thể dành cho tất cả mọi người. Với lý do đó tôi muốn cùng cộng đồng có góc nhìn mới về ăn chay, và từ đó ý tưởng xây dựng Nhà Chay đổi mới.
– Phân khúc đồ chay, trong đó có nhà hàng chay tại Việt Nam hiện nay khá đa dạng và có nhiều cạnh tranh, điểm khác biệt của Dana là gì để tạo dấu ấn riêng và thu hút thực khách?
Ở Dana Vegan House có 3 điều khác biệt mà tôi chú tâm xây dựng:
Dana Vegan House không chỉ là một nhà hàng. Dana Vegan House là một điểm đến văn hóa, ở đó xây dựng tổng thể một không gian rõ ràng có tính nghệ thuật và văn hoá cao với tính bản địa rõ nét. Tôi cùng đội ngũ đã tái dựng lại một ngôi nhà trăm tuổi giữa phố cổ để lưu giữ những giá trị thời gian và mong muốn những khách hàng đến đây có thể trải nghiệm những nét văn hóa bản địa của người Việt xưa.
Chúng tôi đã tái hiện hình ảnh kho gạo và lấy hình ảnh hạt gạo là hình ảnh cảm hứng chủ đạo, với những nét đặc trưng của 1 dòng Hà Nội cũng như nền văn hoá lúa nước Việt Nam. Hình ảnh hạt gạo chính là hình ảnh của ấm no, của nền văn hoá lúa nước. Hình ảnh của hạnh phúc chính là hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam, của bà, của mẹ, luôn yêu thương và rộng lượng cho đi và giúp đỡ không yêu cầu nhận lại.
Một ngôi nhà cổ trăm năm tuổi với những thiết kế lấy cảm hứng từ hạt gạo tạo điểm nhấn cho nhà hàng
Điểm khác biệt thứ hai là chúng tôi mong muốn tạo ra một “cuộc cách mạng ăn chay”. Trong bối cảnh tình hình chung của ẩm thực chay Việt Nam chưa có nhiều mới lạ, nguyên tắc làm sản phẩm của Dana Vegan House là: Lựa chọn những vùng nguyên liệu hữu cơ và các món ăn mang tính bản địa cao để lưu giữ bảo tồn và nâng cấp món ăn Việt. Đồng thời chúng tôi không ngừng học tập để cập nhật các món ăn chay của thế giới về nguyên liệu cũng như phương pháp để khách hàng có trải nghiệm mới với ẩm thực chay. Công thức chuẩn của chúng tôi luôn là 80/20: 80% truyền thống và 20% đổi mới.
Điểm khác biệt thứ ba, chúng tôi coi trọng nhất chính là trải nghiệm của khách hàng. Tôi mong muốn mọi thứ diễn ra tại Dana Vegan House đều đi từ trái tim: Food with a soul – Ẩm thực trọn tâm hồn. Tinh thần phụng sự là tinh thần cốt lõi chúng tôi xây dựng. Ở đó Khách hàng, nhân sự, đôi tác là trung tâm chúng tôi phụng sự.
– Là người đã có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh ẩm thực, xin chị chia sẻ một vài bí quyết với chị em phụ nữ đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng nhà hàng/thương hiệu ẩm thực của mình?
Khởi nghiệp luôn là giai đoạn khó khăn với bất kì ai, đặc biệt là phụ nữ. Bởi lẽ để khởi nghiệp cái gì bạn cũng phải làm và bạn rất dễ dàng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Là một người mẹ với 2 con đang ở độ tuổi lớn, nếu có một lời khuyên dành cho các chị em thì lời khuyên đó là hãy chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi bắt đầu. Tôi đã mất hơn 6 tháng để nghiên cứu dự án và mất hơn 9 tháng để hoàn thành dự án. Có thể với rất nhiều người là chậm nhưng với tôi xây dựng nền tảng bền vững là quan trọng hơn cả.
Tuy nhiên, chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh thôi chưa đủ, quan trọng hơn là chuẩn bị một con người để chạy kế hoạch kinh doanh của bạn mới là điều quan trọng. Bạn hãy phát triển bản thân và coi công việc kinh doanh là phục vụ bạn, kinh doanh là vui. Hãy xây dựng những thói quen tốt trong cuộc sống như đọc sách, thể dục để bạn thật sự mạnh mẽ hơn trên con đường kinh doanh.
Có một bí mật nữa đó là hãy luôn chia sẻ hành trình bạn khởi nghiệp với con cái mỗi ngày vì điều này sẽ giúp bạn có kết nối với con của bạn và giúp bạn cân bằng và có động lực hoàn thành những thành công nhỏ mỗi ngày. Kinh doanh không chỉ là tìm kiếm thành công cuối con đường, kinh doanh thật sự là một hành trình và ở đó bạn nhặt được những thành quả nhỏ trên con đường dài bất tận ấy!
Xin cảm ơn chị!
Thông tin liên hệ:
Chị Vũ Thị Thu Huyền – Sáng lập và điều hành Dana Vegan House
Địa chỉ: 12 Đông Thái, phường Hàng Buồm, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0964961212
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/tran-trong-giu-gin-tinh-ban-dia-va-van-hoa-viet-trong-kinh-doanh-20240514153425688.htm