Tiếp tục phiên chất vấn, sáng 6/6, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) nêu việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi tham gia xuất khẩu lao động ảnh hưởng hình ảnh quốc gia, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều lao động đang có ý định tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Mặc dù đã có chế tài nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở một số nước có thị trường xuất khẩu lao động khá sôi động. Tới đây, Bộ có giải pháp căn cơ nào?
Vấn đề lao động, tiền lương, môi trường việc làm, cơ hội thăng tiến luôn được cán bộ, công nhân viên chức hết sức quan tâm. Tuy nhiên, gần đây tình trạng cán bộ xin thôi việc ở Nhà nước sang làm ở lĩnh vực khác để cải thiện đời sống, tìm hiểu cơ hội mới, làm dấy lên lo ngại chảy máu chất xám ở lĩnh vực công. Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời, về lao động Việt Nam lao động nước ngoài, một bộ phận trốn ở lại không về nước đúng thời gian, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, hiện tượng đó tại thời điểm này không bức xúc bằng năm 2017. Thời điểm đó, tỉ lệ lao động bỏ trốn Hàn Quốc 52%, Hàn Quốc dừng toàn bộ chương trình EPS ở Việt Nam.
Suốt 4 năm, Bộ đã kiên trì thực hiện các giải pháp ký quỹ, trục xuất, thậm chí xử lý hình sự với người trốn ở lại các quốc gia.
Thực tế, Bộ trưởng cho biết, có thời gian, phía nước bạn dừng tiếp nhận lao động ở toàn bộ các tỉnh, thành có tỉ lệ lao động trốn ở lại cao. Còn thời điểm này, việc tạm dừng đã “khuôn” lại trong 18 huyện ở 9 tỉnh có tỉ lệ lao động trốn ở lại nhiều.
“Các địa phương không muốn tạm dừng nhưng chủ trương này bắt đầu yêu cầu phía Hàn Quốc. Vì vậy, thời gian vừa qua, Bộ phải làm nhiều việc để đến thời điểm này chỉ còn 24,6% người lao động vi phạm hợp đồng, thuộc diện quốc gia có mức độ vi phạm thấp, để tiếp tục gỡ bỏ những hạn chế tiếp nhận lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Về tình trạng công chức thôi việc, theo Bộ trưởng, vừa qua, Chính phủ đã đề cập vấn đề cán bộ công chức chuyển sang làm việc khu vực tư nhân và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời.
“Muốn người lao động khu vực công và tư ổn định, việc quan trọng thu nhập, đời sống việc làm ổn định, lương đủ sống, thu nhập đảm bảo cho bản thân và gia đình mình”, ông Dung nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu câu hỏi: Hiện nay, lao động bị lừa đi xuất khẩu nhiều hình thức, đề nghị Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân và giải pháp?
Trả lời về số lao động Việt Nam đi nước ngoài bị lừa nhiều, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết năm 2022, lao động Việt đi làm việc nước ngoài là 142.000 người, chiếm 10% yêu cầu giải quyết việc làm. Số này đi theo Luật người Việt Nam đi lao động nước ngoài, do 482 doanh nghiệp được cấp phép đưa đi, “đi theo diện này không bị lừa”, ông Dung nói.
Số lao động bị lừa do đi qua công ty ma, công ty không được cấp phép. Thậm chí, các doanh nghiệp đã trá hình đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Những trường hợp này cùng cơ quan chức năng xử lý nhiều.
Nhiều trường hợp công ty cấp phép lừa đảo cả hai đầu đi và đến như: Thu tiền môi giới cao hơn, không đúng ngành nghề cuối cùng sang phải trả về hoặc làm việc không tốt.
Bộ trưởng cho biết Bộ cũng xử phạt nhiều với các doanh nghiệp vi phạm. Năm 2022, thanh tra xử lý 62 doanh nghiệp, 4 doanh nghiệp thu hồi giấy phép, phần lớn công ty ma không phải doanh nghiệp được cấp phép. Giải pháp để hạn chế tình trạng trên là tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh tra kiểm tra.