“Thách thức” không nhỏ
Chúng tôi tạm gọi, xếp chung những khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ, phục dựng, gìn giữ di sản ở vùng DTTS chính là những “thách thức” của di sản.
Nhìn từ thực tiễn có thể thấy rõ ràng là không ít công trình kiến trúc, di tích lịch sử, hay cao hơn là di sản ở vùng DTTS gần như không được bảo vệ một cách bền vững, khả năng bị xuống cấp, xâm hại là rất lớn. Ngay cả khi có bằng công nhận di tích, di sản thì cũng chưa nhận được những nguồn lực hỗ trợ, bảo vệ kịp thời. Ngày qua ngày, dưới sự tác động của thiên nhiên, thậm chí có những nơi còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ con người, nhiều di tích đang dần trở thành phế tích… phải xếp hàng “chờ” bảo tồn!
Hãy nhìn từ di sản văn hóa Chăm ở vùng Nam Trung Bộ. Những ngọn tháp Chăm – kiệt tác vàng son một thuở của văn hóa Champa, qua thăng trầm của thời cuộc đã bị bào mòn. Nhiều di sản nơi đây đã bị hư hỏng rất nhiều, thậm chí chỉ còn là phế tích. Để lại nỗi tiếc nuối vời vợi của hậu thế khi diện kiến chiêm ngưỡng. Quá trình phục dựng những ngọn tháp Chăm với độ tinh xảo, thì không phải cứ có kinh phí, có niềm đau đáu là có thể làm được. Bởi nếu không có kỹ thuật cao thì quá trình phục dựng càng đi xa giá trị gốc ban đầu của di tích.
Một thực tế hiện nay là, nhận thức của một bộ phận người dân về di tích, di sản chưa thật sâu sắc và toàn diện; ý thức pháp luật chưa cao nên vẫn xảy ra hiện tượng vi phạm di tích và thắng cảnh. Mặt khác, ở cấp quản lý nhà nước, hiện vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ về tài chính cho những tổ chức và cá nhân có đóng góp đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá; thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn tại cơ sở, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Câu chuyện của tháp cổ Xốp Lợt ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) là một trong số đó. Tháp cổ này được cho là xây từ thế kỷ VII, là ngọn tháp lớn nhất và cũng là tháp duy nhất còn sót lại ở vùng biên viễn xa xôi này. Trước đây, ở xã Mỹ Lý có một quần thể tháp cổ, nhưng trải qua thời gian tất cả đều đã bị đổ sập, nay cũng chẳng còn phế tích. Với ngọn tháp hiện tại, xung quanh thân tháp đã bị kẻ xấu đục nhiều lỗ để tìm cổ vật là những bức tượng phật bằng đồng đen. Nằm ở vùng hẻo lánh, một thời gian dài thiếu sự quan tâm, thiếu kinh phí bảo tồn, tháp cổ đã xuống cấp đến nghiêm trọng.
Ông Lương Văn Bảy – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý chia sẻ: Tỉnh Nghệ An đã có chủ trương tu bổ, tôn tạo tháp cổ. Hiện tại, tỉnh đang giao Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất nguồn vốn, gửi Sở Tài chính thẩm định. Chúng tôi rất thiết tha mong công trình này được tu bổ để không chỉ gìn giữ một công trình văn hóa tâm linh trên địa bàn, mà còn là điểm đến tham quan trong hành trình du lịch trải nghiệm của địa phương.
Để làm tốt công tác bảo tồn di sản là điều vô cùng khó khăn, bởi không chỉ thiếu kinh phí mà nhân lực có chất lượng và công nghệ kỹ thuật cao cũng đang là hai vấn đề rất đau đầu. Nếu như câu chuyện kinh phí được giải quyết bằng các con đường từ ngân sách, từ xã hội hóa thì thiếu nhân sự am tường, thiếu công nghệ hỗ trợ… lại đang vấp phải những vấn đề không đơn giản.
Tỉnh Nghệ An đã có chủ trương tu bổ, tôn tạo tháp cổ. Hiện tại, tỉnh đang giao Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất nguồn vốn, gửi Sở Tài chính thẩm định. Chúng tôi rất thiết tha mong công trình này được tu bổ để không chỉ gìn giữ một công trình văn hóa tâm linh trên địa bàn, mà còn là điểm đến tham quan trong hành trình du lịch trải nghiệm của địa phương.
Ông Lương Văn BảyChủ tịch UBND xã Mỹ Lý
Nhiều giá trị di tích sẽ bị tổn hại nếu như hiểu việc phục chế đơn giản là làm mới, hay vá lành các tác phẩm nghệ thuật. Quá trình phục chế các tác phẩm phải tôn trọng từng lớp vật liệu gốc trên hiện vật lịch sử, tôn trọng phong cách nghệ thuật trên từng bức tranh, bức tượng. Tuy nhiên, tại nước ta, hoạt động này đang thiếu cả nhân lực chất lượng và trang thiết bị kỹ thuật cao để đảm bảo tiêu chí làm sao phục chế gần nguyên gốc nhất.
Kỳ vọng từ cơ chế, chính sách
Việc bảo vệ và phục hồi các di sản nói chung trước sự bào mòn của thời gian luôn là công việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, đó là điều thiết yếu để lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật của dân tộc trước nguy cơ bị biến mất theo thời gian.
Trong thời gian qua, công tác phục hồi, bảo vệ, tôn tạo di sản đã có sự can thiệp hiệu quả từ các trung tâm lưu trữ quốc gia. Hiện nay, kỹ thuật phục chế tài liệu ở các trung tâm này đã đạt ở mức chuyên nghiệp cao. Các biện pháp hiện đại và truyền thống cùng được áp dụng, kết hợp giữa đôi bàn tay khéo léo của kỹ thuật viên và công nghệ, nhờ đó hàng vạn trang tài liệu cũ nát đã tìm lại được hình hài, tăng sức sống bền lâu cho tư liệu mang giá trị toàn cầu đang được lưu giữ.
Ngoài các trung tâm lưu trữ quốc gia, hiện cả nước chỉ có 2 trung tâm tu bổ phục chế thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Các trường mỹ thuật trong nước hiện chưa đào tạo chuyên ngành về phục chế. Hầu hết các cán bộ phục chế là họa sĩ, kỹ sư hóa học nên kiến thức về phục chế cơ bản do tự học, mày mò từ tài liệu nước ngoài. Trong khi khí hậu Việt Nam là nhiệt đới gió mùa, dẫn đến tốc độ hư hại của hiện vật nhanh, nhiều tác phẩm, hiện vật chưa được bảo vệ đúng cách.
Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung; sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Đó là điều cần thiết, sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập, chung chung trong việc quản lý di sản.
Mới đây, Quốc hội đã thảo luận và sắp tới, luật di sản sửa đổi sẽ có hiệu lực, như thêm một hành lang pháp lý rộng lớn, bền vững hơn cho công cuộc bảo vệ, tôn tạo và phục vụ di sản.
Trước khi Luật di sản sửa đổi có hiệu lực, những hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 sẽ thêm một cách làm để công cuộc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản sẽ ngày càng có hiệu quả hơn, đi vào chiều sâu hơn, đáp ứng tối đa niềm mong mỏi của người dân vùng có di sản.
Nguồn: https://baodantoc.vn/tran-tro-ve-mot-mien-di-san-dich-den-cuoi-cung-cua-di-san-bai-3–1712552771160.htm