Lời tòa soạn: Bánh tẻ Sơn Tây ngon nổi tiếng xưa nay, được coi là có gốc tích từ làng Phú Nhi. Bánh tẻ Phú Nhi không chỉ là sản vật của riêng Sơn Tây, Hà Nội mà đã trở thành thương hiệu có tiếng tại Việt Nam, được du khách bốn phương biết đến. Năm 2007, Phú Nhi được công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống.
Để làm ra được chiếc bánh tẻ thơm ngon, người dân Phú Nhi phải rất tỉ mỉ, kỳ công từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, làm nhân cho tới gói và hấp bánh. Không chỉ là món quà quê mộc mạc, chiếc bánh tẻ còn mang theo những câu chuyện nhân văn và cả nỗi trăn trở của những người làm nghề. Tuyến bài: Bánh tẻ Phú Nhi, chuyện chưa kể sẽ giới thiệu với độc giả về món ăn này.
Bài 1: Đặc sản bắt nguồn từ chuyện tình buồn, ai tới xứ Đoài cũng khen nức nở
Bài 2: Ngày thu cả triệu, bác thợ tiết lộ bí quyết trăm năm đặc sản xứ Đoài không phụ gia
Bài 3: Cưới cô gái xứ Đoài có nghề độc, người đàn ông dựng cơ ngơi đồ sộ sau 10 năm
Người dân làng Phú Nhi (phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trước đây chủ yếu làm bánh tẻ để phục vụ nhu cầu của người thân và gia đình các dịp lễ, Tết. Chỉ có một số hộ làm bán phục vụ nhu cầu ăn sáng cho người dân quanh vùng. Ngày nay, khi giao thông thuận lợi, bánh tẻ Phú Nhi tỏa đi các vùng lân cận, trở thành món đặc sản nhiều người yêu thích.
U70 “đánh đổi” sức khỏe để theo nghề truyền thống
Trong làng Phú Nhi, có những gia đình nhiều thế hệ làm bánh tẻ. Nghề gia truyền đã mang lại thu nhập chính cho họ và cả những người dân trong vùng.
Cơ sở làm bánh của bà Phạm Thị Bình (SN 1956) là một trong những gia đình có 3 đời làm bánh tẻ và đạt được chứng nhận OCOP 4 sao năm 2020. Bà Bình kể, những ngày đầu “khởi nghiệp”, bánh làm ra chủ yếu để bán ăn sáng cho học sinh ở trường học ở gần nhà và mang ra chợ phục vụ người dân.
Bà còn nhớ những ngày cùng mẹ ra chợ Nghệ bán hàng, vất vả kiếm từng nghìn. Bà luôn cố gắng làm ra những chiếc bánh thơm ngon, chất lượng, đúng với thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi được nhiều người biết đến.
Sau này, vì bánh ngon, chất lượng nên đơn hàng ngày một nhiều. Bà bắt đầu thuê thêm người làm, nhờ con cái giúp sức… Cơ sở bánh của bà Bình nhờ vậy trở nên nổi tiếng trong làng, nhiều người ghé qua mua.
“Giờ đây, gia đình tôi được công nhận là cơ sở làm bánh truyền thống ngon, chất lượng, được chứng nhận OCOP 4 sao, được nhiều khách hàng đón nhận, tôi cảm thấy rất tự hào. Nhớ lại thời ông bà, bố mẹ đã nỗ lực ra sao, tôi cảm thấy mình đã không phụ tấm lòng của họ”, bà Bình chia sẻ.
Những người làm tại cơ sở của bà Bình đã quen việc, lương khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Họ hầu hết là những người ở làng, tuổi khá lớn. Nhờ làm việc tại nhà bà Bình, những người này cũng có thêm thu nhập, không phải dựa dẫm con cái.
Bà Phan Thị Toán (SN 1964) đã làm ở nhà bà Bình hơn 10 năm, có thể thành thạo mọi việc, từ quấy bột, ra bột, làm nhân, gói bánh…
“Nhà ở gần nên cứ khoảng 6h sáng là tôi có mặt ở nhà bà Bình. Hôm nào có nhiều đơn hàng hoặc ngày lễ, Tết, chúng tôi bắt đầu làm từ 4 – 5h, cuối tuần làm nhiều hơn ngày thường vì khách đặt. Ngày trước mẹ tôi cũng làm nghề này nhưng bây giờ các cụ về quê, không làm nữa. Nhà ít người nên tôi không tự mở cơ sở được, sang bà Bình làm để có thêm thu nhập cũng vì yêu thích, muốn giữ nghề truyền thống của quê hương”, bà Toán cho biết.
Làm bánh tẻ là công việc vất vả. Người làm nghề phải thức khuya dậy sớm để làm bánh, hấp bánh. Trời chưa sáng đã phải giao bánh để người buôn kịp bán tới tay thực khách.
Nhiều phụ nữ trung niên và cao tuổi ở nhà bà Bình mắc bệnh nghề nghiệp. Bởi khi làm bánh, người thợ liên tục ở tư thế ngồi cúi thấp người, hai tay hoạt động không ngừng.
Giống như bà Toán, bà Đàm Thị Xuyên (SN 1954) có hơn 10 năm làm việc ở nhà bà Bình. Theo bà, công việc này phải ngồi nhiều, luôn tay luôn chân: “Chúng tôi đều phải đeo đai để bảo vệ lưng vì già, ngồi lâu hay bị đau lưng lắm. Làm lâu, tay nghề của tôi cũng khá thành thạo, nên có thể thay nhau làm tất cả các công đoạn sản xuất bánh. Tôi thấy may mắn vì có công việc này”.
Bài toán hóc búa
Bánh tẻ Phú Nhi được làm thủ công và không có chất phụ gia bảo quản nên chỉ để được 1 ngày ở nhiệt độ thường. Bà Bình hay những người bán hàng khác đều khuyến cáo khách ăn bánh trong ngày là ngon nhất. Dù có thể bảo quản lạnh nhưng sang ngày thứ 2, bánh đã giảm bớt độ thơm ngon.
Hơn nữa, bánh tẻ là loại quà quê dân dã, ai cũng có thể làm được. Nhưng để có hương vị đặc trưng giống như bánh tẻ Phú Nhi thì không phải ai cũng biết làm. Vậy, làm thế nào để người mua nhận diện và mua được bánh tẻ Phú Nhi chính hãng, đó là bài toán khó với chính quyền và người dân làng nghề.
Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã hỗ trợ người dân làng nghề về quy cách tem, nhãn mác, bao bì đóng gói… để nhận diện thương hiệu. Thế nhưng, giá trị sản phẩm không cao, mỗi chiếc bánh chỉ từ 7.000 – 10.000 đồng, lại là mặt hàng ăn nhanh, ăn nóng nên việc gắn tem nhãn lên sản phẩm vừa khó vừa tốn kém.
“Nhận diện thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi mới dừng ở bộ tem nhãn dán. Đặc điểm của bánh là để nóng, khi vận chuyển dễ bong tróc. Bánh tẻ lại không thể để trong hộp kín vì bị hấp hơi. Chúng tôi đã thử nghiệm các loại nhưng chưa tìm được cách để khẳng định thương hiệu trên bánh”, ông Nguyễn Đắc Điệp – Phó chủ tịch UBND phường Phú Thịnh cho biết.
Để người dân Phú Nhi theo nghề truyền thống đã khó, giữ được thương hiệu truyền thống còn khó hơn.
Có dịp về thăm làng nghề truyền thống bánh tẻ Phú Nhi, PV không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều quầy bánh tẻ bán dọc đường dẫn lên cầu Vĩnh Thịnh, các cửa ngõ vào thị xã Sơn Tây.
Những điểm bán bánh tẻ mọc lên “tự phát” đã khiến nhiều người hiểu nhầm về chất lượng đặc sản nơi đây. Đây là điều khiến chính người dân xứ Đoài cảm thấy bị tổn thương khi thương hiệu đặc sản bánh tẻ làng nghề Phú Nhi bị đe dọa.
Chị Phương Anh, cán bộ phụ trách văn hóa, phát triển làng nghề phường Phú Thịnh chia sẻ: “Hiện nay có nhiều nơi làm được bánh tẻ nhưng đúng bánh tẻ Phú Nhi ăn rất ngon, hương vị khác hẳn.
Tuy nhiên, tại những điểm như đầu cầu Vĩnh Thịnh, có nhiều người mang bánh tẻ ra bán cho người qua đường. Họ chỉ căng biển là bánh tẻ, nhưng vì điểm bán là cửa ngõ vào thị xã Sơn Tây nên nhiều người hiểu nhầm là bánh tẻ Phú Nhi. Thương hiệu bánh tẻ làng nghề Phú Nhi đang bị xâm phạm”.
Xem video: Cận cảnh quá trình làm bánh tẻ Phú Nhi:
Nơi 3h sáng cả làng dậy làm không ngơi tay, 4h30 tỏa đi khắp phố
Nhọc nhằn người ‘bán phổi’, bắt hạt thóc nở hoa giữ linh hồn món ăn dân dã
Những người thợ nhọc nhằn mỗi ngày thổi 3.000 cốc bia hơi ở Nam Định