Tháng 8 hàng năm là thời điểm các địa phương ráo riết hoàn thành tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho năm học mới. Năm nay, công tác tuyển dụng có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học.
Đỏ mắt tìm giáo viên năng khiếu
Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT TPHCM thông báo danh sách ứng viên trúng tuyển viên chức giáo dục năm học 2024-2025. Kết quả tuyển dụng năm nay cho thấy, có 13/15 môn học tuyển đủ giáo viên so với nhu cầu tuyển dụng, trong đó nhiều môn học có tỷ lệ chọi thi tuyển rất cao như Vật lý, Hóa học, Sinh học… Đây là kết quả khả quan hơn các năm học trước bởi không còn tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên ở nhiều môn học.
Tuy nhiên, 2 môn học không tuyển đủ giáo viên trong năm học này đều thuộc các bộ môn năng khiếu. Trong đó, Âm nhạc có 8 ứng viên trúng tuyển trên tổng số 9 nhu cầu tuyển dụng, Mỹ thuật có 3 ứng viên trúng tuyển trên 7 nhu cầu tuyển dụng. Trước đó, ở vòng xét duyệt hồ sơ, Âm nhạc và Mỹ thuật là 2 môn học có số lượng hồ sơ đăng ký tuyển dụng thấp nhất trong số các môn học với 13 hồ sơ ở môn Âm nhạc và 5 hồ sơ đối với môn Mỹ thuật.
Ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, việc các bộ môn năng khiếu thiếu nguồn tuyển giáo viên không chỉ diễn ra đối với cấp THPT mà ở cả 2 bậc học khác là tiểu học và THCS. Ngoài 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật, các trường tiểu học, THCS còn thiếu nguồn tuyển các bộ môn đặc thù khác như Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 (TPHCM), cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng năm nào cũng tuyển dụng nhưng vẫn thiếu giáo viên là do hiện nay công tác tuyển dụng được các địa phương triển khai độc lập với nhau, vì vậy có tình trạng một ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi. Khi có kết quả trúng tuyển, ứng viên không đến nhận nhiệm sở do cùng lúc trúng tuyển ở nơi khác và đã chọn môi trường công tác tốt hơn. Thực tế này khiến các quận huyện phải tổ chức tuyển dụng nhiều lần trong cùng năm học hoặc tính đến phương án “dùng chung” giáo viên giữa các trường học.
Đại diện nhiều phòng GD-ĐT trên địa bàn TPHCM cho biết, thu nhập của giáo viên ở trường công lập hiện nay chưa đủ sức giữ chân giáo viên giỏi. Nhiều thầy cô trẻ sau một thời gian công tác tại trường công lập đã chuyển qua khu vực ngoài công lập hoặc các trung tâm đào tạo tư nhân do có thu nhập tốt hơn. Đây là bài toán nhiều năm qua ngành giáo dục loay hoay chưa tìm ra lời giải do liên quan nhiều lĩnh vực khác như tài chính, chính sách đãi ngộ…
Mở rộng phân quyền cho các trường
Điểm mới của tuyển dụng năm học 2024-2025 là ngành giáo dục có thêm 2 vị trí việc làm lần đầu tiên được tuyển dụng là nhân viên giáo vụ và nhân viên tư vấn tâm lý học sinh. Ở cấp THPT, kết quả đợt tuyển dụng đầu tháng 8 vừa qua cho thấy, có 10 ứng viên trúng tuyển vị trí nhân viên giáo vụ trên tổng số 12 nhu cầu tuyển dụng. Riêng vị trí nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh chưa tuyển dụng do các trường đang sử dụng đội ngũ kiêm nhiệm. Với nhiều vị trí việc làm khác, tuyển dụng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế tại các trường học.
Đơn cử, vị trí nhân viên công nghệ thông tin mới có 5 ứng viên trúng tuyển trên tổng số 14 nhu cầu tuyển dụng; nhân viên kế toán có 4 người trúng tuyển trên 6 nhu cầu tuyển dụng; nhân viên thiết bị, thí nghiệm có 7 người trúng tuyển trên 12 nhu cầu tuyển dụng; nhân viên văn thư có 1 người trúng tuyển trên 4 nhu cầu tuyển dụng… Ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS, nhu cầu tuyển dụng nhân viên y tế, công nghệ thông tin, thư viện hàng năm đều rất lớn nhưng các địa phương đều thiếu nguồn tuyển.
Để giải quyết khó khăn trên, năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TPHCM mở rộng phân cấp tuyển dụng cho 29 đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh cho biết, việc mở rộng phân quyền tuyển dụng nhằm giúp các trường chủ động hơn trong công tác tuyển dụng giáo viên, nhân viên, qua đó nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo hiệu quả hoạt động tại đơn vị.
Cũng với cách làm đó, quận 1 (TPHCM) là địa phương đầu tiên cho biết sẽ thí điểm phân quyền tuyển dụng giáo viên cho các trường học, bước đầu thực hiện với các trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế. Song song với việc phân quyền tuyển dụng, cơ quan quản lý tiếp tục rà soát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá nhằm giúp hoạt động triển khai đúng hướng, đạt hiệu quả thực chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các đơn vị.
Hiện Sở GD-ĐT TPHCM đang hoàn thiện đề án chính sách thu hút giáo viên công tác tại các trường tiểu học công lập ở các bộ môn đặc thù, khó tuyển dụng gồm: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất.
Theo đề xuất của sở, giáo viên được tuyển dụng lần đầu ở các môn học này sẽ được hỗ trợ từ 30 – 50 triệu đồng/năm học trong 3 năm đầu công tác. Trong đó, các khoản hỗ trợ gồm chi phí sinh hoạt, nhà ở, phương tiện đi lại, chi phí tự học và nghiên cứu…
MINH THƯ
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tran-tro-bai-toan-tuyen-dung-giao-vien-post753682.html