“Khủng long”, “sếu vườn”, “cỗ máy ghi điểm”, “bức tường chắn”… là những biệt danh đầy mạnh mẽ và cũng vô cùng đáng yêu của tay đập số 1 Việt Nam Trần Thị Thanh Thúy.
Cuộc lật đổ bất thành và nỗi tiếc nuối nhất sự nghiệp
Trong lịch sử tham dự các kỳ SEA Games, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chưa một lần thắng Thái Lan. “Những cô gái phận bạc” hay “vua về nhì” luôn được nói tới mỗi khi bóng chuyền nữ Việt Nam gặp đối thủ số số 1 khu vực ở chung kết.
Tính từ năm 2001 đến nay, tuyển nữ Việt Nam có tổng cộng 11 lần đối đầu với Thái Lan ở trận chung kết bóng chuyền và đa số đều phải nhận thất bại chóng vánh 0-3.
Thắng Thái Lan trong 1 set đấu là điều rất tuyệt vời với bao thế hệ bóng chuyền nữ Việt Nam, và chúng ta đã làm được điều này 3 lần ở những trận tranh HCV của SEA Games.
Nói thế để thấy, những gì mà Thanh Thúy và các đồng đội thể hiện ở trận chung kết SEA Games 32 là một sự nỗ lực đến vượt ngưỡng. Có lẽ chính người Thái cũng không bao giờ nghĩ tới kịch bản một set đấu kéo dài tới điểm số ngoài 30 khi đấu với Việt Nam.
Thua 1-3 (17-25, 25-21, 30-32 và 21-25) trước Thái Lan, chưa bao giờ bóng chuyền nữ Việt Nam tiếc nuối như vậy. Khoảng cách về đẳng cấp của một đội đạt tầm thế giới với một đội chưa từng giành HCV SEA Games bị thu hẹp đáng kể, và đây chính là động lực lớn cho bóng chuyền nữ Việt Nam trong giấc mơ đuổi kịp người Thái trong tương lai.
Nhớ lại trận chung kết đầy cảm xúc, Thanh Thúy chia sẻ: “Tôi và các đồng đội đều đặt mục tiêu giành tấm HCV SEA Games đầu tiên cho bóng chuyền nữ Việt Nam, nhưng đã không làm được. Tiếc nuối nhưng mọi người cũng đã cố gắng hết sức.
Bản thân tôi thấy mình còn thiếu bản lĩnh trong nhiều tình huống. Tôi tự trách mình nếu cắt được 1 điểm có lẽ mọi thứ đã khác…”.
Thương hiệu “4T”
Cũng như mọi giải đấu của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, Thanh Thúy luôn là tay đập ghi nhiều điểm nhất. Tầm ảnh hưởng của chủ công sinh năm 1997 là điều không phải bàn cãi.
Chứng kiến học trò thi đấu bùng nổ ở SEA Games, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cũng phải thốt lên: “Cô ấy có sự tự tin, tinh thần thi đấu rất tốt, nhiều thời điểm kéo cả đội đi lên. Thanh Thúy chơi hơn 100% phong độ, nhiều tình huống đỡ bước một xong ngã, lại đứng dậy nhảy đập ghi điểm”.
Trước SEA Games, Thanh Thúy góp công lớn giúp tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lội ngược dòng không tưởng khi đấu Diamond Food (Thái Lan) ở trận chung kết giải vô địch các CLB châu Á 2023, qua đó lần đầu tiên đăng quang sau 21 năm tham dự giải châu lục. “Khủng long” cao 1m93 ghi tới 30 điểm, trong đó có 28 điểm từ những pha tấn công.
Ngày một hoàn thiện mình và trở thành tay đập đáng sợ với bất cứ hàng chắn nào, Thanh Thúy đã phải đánh đổi cả tuổi trẻ.
Thậm chí đến giờ, Thanh Thúy vẫn phải gồng mình lên khi cùng lúc phải làm nhiệm vụ trong 3 màu áo: PFU BlueCats (Nhật Bản), đội bóng chủ quản VTV Bình Điền Long An và tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam (đội trưởng).
Những chuyến bay vội vã, xa nhà, chấn thương, sự thích nghi với môi trường mới, chơi trái sở trường… là khó khăn mà Thanh Thúy phải đối mặt hàng ngày. Nhưng dù khó tới đâu, “khủng long” của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đều vượt qua, như một sự khẳng định thương hiệu 4T không lẫn vào đâu được của mình.
Bốn lần xuất ngoại và bản hợp đồng “khủng” nhất lịch sử
Trần Thanh Thúy trở thành VĐV bóng chuyền Việt Nam thi đấu cho nhiều đội bóng nước ngoài nhất trong lịch sử, với 4 lần xuất ngoại thi đấu cho Bangkok Glass VC (Thái Lan), Attack Line (Đài Loan – Trung Quốc), Denso Airybees và PFU BlueCats (Nhật Bản).
Giá trị chuyển nhượng của Thanh Thúy hiện tại lên tới 250.000 USD/năm (hơn 5 tỷ đồng). Đây là bản hợp đồng kỷ lục và là mơ ước với các tay đập bóng chuyền Việt Nam.
Nhưng nhận lương cao cũng là một áp lực lớn với Thanh Thúy. Thủ quân tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cho biết cô phải thay đổi vị trí, chơi phụ công thay vì chủ công ở môi trường nước ngoài.
Mỗi trận đấu là một thử thách và giúp Thanh Thúy trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Dù thi đấu ở đội bóng không phải là “đại gia” của giải VĐQG Nhật Bản, nhưng những dấu ấn của tay đập số 1 Việt Nam vẫn nhận được nhiều sự ngưỡng mộ.
4T từng nằm trong top 5 cầu thủ có hiệu suất dứt điểm tốt nhất giải (46%), và đáng nể hơn cô cũng là một trong những cầu thủ phòng ngự xuất sắc nhất tại giải đấu xứ mặt trời mọc.
Từng bị nghi ngờ gian lận tuổi
Thanh Thúy sinh năm 1997 trong một gia đình gốc Hà Nam vào Bình Dương lập nghiệp. Gia đình cô không liên quan gì đến thể thao và cũng không có gì đặc biệt về hình thể. Nhiều người bất ngờ khi mẹ của Thúy chỉ cao 1,58m.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hồi bé của Thúy cũng hết sức bình thường, thậm chí còn thua thiệt so với nhiều bạn cùng trang lứa do gia đình còn nhiều khó khăn.
Thế nhưng, thật kỳ lạ, cô bé Thanh Thúy vẫn lớn nhanh như thổi. Mới 13 tuổi đang học lớp 7, Thúy đã cao tới 1,78m, hơn hầu hết chủ công của đội tuyển bóng chuyền Việt Nam khi ấy.
Trường hợp của cô học trò lạ tới mức, khi tiếp xúc với Thúy trong một tiết học thể dục ở trường, các HLV của CLB Bình Điền Long An đã kinh ngạc và một mực không tin, đơn giản vì “làm gì có chuyện 13 tuổi mà cao 1,78m”.
Sau khi tìm đủ các nguồn, sử dụng các phương pháp chuyên môn, để xác minh đúng là Thúy sinh năm 1997, các nhà tuyển trạch mới hiểu rằng mình đang đứng trước một “viên ngọc thô” độc nhất vô nhị. Đáng nể hơn, ngoài chiều cao 1,78m, Thúy còn có các chỉ số về sải tay, tầm với, sức bật tại chỗ đều lý tưởng với bóng chuyền Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, Thúy “cò” đã giành vị trí trụ cột ở CLB VTV Bình Điền Long An, các đội bóng nước ngoài cùng tuyển Việt Nam. Thanh Thúy là VĐV toàn năng bậc nhất, bởi không chỉ đóng vai “máy ghi điểm” và “bức tường chắn”, ngôi sao sinh năm 1997 còn có cú phát bóng “thần sầu” và có thể tung ra các cú dứt điểm từ sau vạch ba mét xuyên dàn chắn.
4T rõ ràng là “của hiếm”, là phiên bản đặc biệt của bóng chuyền Việt Nam mà nhiều năm nữa không có người thứ 2.
Vietnamnet