Bên cạnh những lời khen, Nhà bà Nữ của Trấn Thành, bộ phim cán mốc doanh thu 200 tỷ đồng sau hơn 1 tuần công chiếu, nhận không ít ý kiến trái chiều về chuyên môn, và gây tranh cãi khi lời thoại có nhiều câu chửi thề. Nhiều khán giả cho biết họ mệt mỏi khi nghe chửi liên tục với âm lượng lớn. Đặc biệt, nhân vật bà Nữ chửi khắp từ con cái cho đến hàng xóm và khách hàng của mình. Có những cảnh, người xem phim ù tai vì toàn thấy tiếng khóc lóc, cãi vã, chửi mắng, đập vỡ đồ đạc… “Phim Nhà bà Nữ nên đổi tên thành Nhà bà Chửi” là bình luận của một khán giả.
Nói về sự lạm dụng chửi thề trong phim, nhà thơ, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt khẳng định đây là điểm yếu của Nhà bà Nữ vì “ngôn ngữ bình dân của người lao động không phải toàn là tiếng chửi thề, lời hằn học”.
“Có lẽ sau khi nhận được nhiều ý kiến phản biện về tiếng chửi thề, văng tục xuất hiện dày đặc trong các phân đoạn hội thoại phim ‘Nhà bà Nữ’, tôi tin là đến lúc Trấn Thành cần nhìn nhận lại ở góc độ biên kịch của bộ phim. Tiếng Việt rất phong phú, vì thế có rất nhiều từ ngữ có thể thay thế, nhiều cảm xúc hình thể của nhân vật đại diện được cho lời thoại. Cá nhân tôi cũng nhận thấy những lời thoại tiêu cực trong phim khá nhiều, và không cần nhiều đến mức đó mới làm khán giả nhận ra bi kịch của nhà bà Nữ lớn đến mức nào“, Nguyễn Phong Việt nói.
Trấn Thành ra mắt Nhà bà Nữ – bộ phim điện ảnh thứ 2 do anh sản xuất, đạo diễn và đóng chính – vào đúng mùng 1 Tết. Ra rạp sau 1 năm điện ảnh Việt chạm đáy, hầu hết thua lỗ nặng nhưng Nhà bà Nữ vẫn đủ sức kéo hơn 2 triệu khán giả ra rạp. Doanh thu hơn 200 tỷ đồng sau hơn 1 tuần công chiếu là con số mà đạo diễn phim nào cũng ao ước. Lý giải về thành công này, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt cho rằng tuy Nhà bà Nữ còn nhiều hạn chế về mặt chất liệu điện ảnh nhưng ở vai trò người kể chuyện, Trấn Thành đã làm rất xuất sắc khi tạo ra rất nhiều cảm xúc, rung động có thể khiến khán giả rơi nước mắt ở một vài phân đoạn cao trào, điều rất khó tìm thấy ở các phim Việt trong nhiều năm trở lại đây.
Anh phân tích thêm về nguyên nhân thành công về doanh thu của phim: “Mùa phim Tết, khán giả ra rạp để giải trí với số lượng đông hơn bất cứ thời điểm nào trong năm. Chưa kể, tất cả những đối trọng của ‘Nhà bà Nữ’ dịp Tết 2023 bao gồm cả ‘Chị chị em em 2’ và các phim nhập ngoại khác đều không đạt được mức độ nhận diện thương hiệu và sự tranh cãi tốt như ‘Nhà bà Nữ’. Với 2 lý do cơ bản này, phim đạt mức doanh thu khổng lồ là tất yếu. Còn để nói xứng đáng hay không, câu hỏi này nên đặt ra cho khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp xem bộ phim. Rõ ràng, ‘Nhà bà Nữ’ làm được một việc rất đáng khen ngợi là khiến khán giả không cảm thấy tiếc số tiền và thời gian mình bỏ ra khi vào rạp xem”.
Theo nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt, phim mà Trấn Thành cầm trịch ở vai trò đạo diễn và biên kịch, bao gồm cả phim Bố già trước đó và hiện tại là Nhà bà Nữ, đều đi theo hướng kể một câu chuyện khiến khán giả đồng cảm với đời sống của các nhân vật, cũng như tạo ra sự mạch lạc rất tốt về nhịp điệu của tác phẩm. Trấn Thành còn không ít hạn chế khi màu sắc kịch và truyền hình vẫn hiện diện rõ trong rất nhiều phân đoạn của cả hai phim.
“Bỏ qua phần doanh thu, nếu nói về nội dung câu chuyện, tôi cho rằng ‘Nhà bà Nữ’ vẫn là một phiên bản nữ’so với phiên bản nam của ‘Bố già’. Rất khó nói phim nào tốt hơn phim nào, nhưng cả hai phim của Trấn Thành đều làm tốt ở vai trò dẫn dắt cảm xúc, khiến khán giả bước vào hành trình của các nhân vật một cách rất gần gũi”, Nguyễn Phong Việt nói. Anh cho rằng, với tốc độ tăng doanh thu như hiện nay, Nhà bà Nữ có thể chạm đến ngưỡng 350 tỷ đồng hoặc hơn một chút; còn để vượt mốc doanh thu 400 tỷ đồng của Bố già thì khả năng là rất thấp.
Tùng Thanh
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo