Hưởng ứng Cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”, tập thể Phòng Khoa giáo – Lịch sử Đảng và Phòng Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đã tích cực tham gia với tác phẩm dự thi dày 660 trang, tập hợp nhiều tư liệu, bài huấn thị, bút tích, hình ảnh phong phú, sinh động về Bác Hồ với quê hương Nam Định. Với sự công phu trong sưu tầm tư liệu, bố trí khoa học các chuyên mục, cùng với in ấn đẹp, tác phẩm dự thi đã tạo điểm nhấn và được Ban Tổ chức trao giải Nhì.
Bìa bài viết đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” của tập thể Phòng Khoa giáo – Lịch sử Đảng và Phòng Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy). |
Đồng chí Vũ Thị Liêm, Phó trưởng Phòng Khoa giáo – Lịch sử Đảng cho biết: Là những người trực tiếp làm nghề nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, chúng tôi cảm thấy Cuộc thi có ý nghĩa to lớn với mỗi người dân Nam Định khi vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm, mỗi cá nhân khi tham gia Cuộc thi là một lần ôn lại lịch sử, vun đắp thêm tình cảm với Bác Hồ, với quê hương. Từ khi được lãnh đạo cơ quan giao nhiệm vụ phối hợp với Phòng Lý luận chính trị, chúng tôi rất hứng khởi, khẩn trương bắt tay vào các phần việc xây dựng đề cương, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, công chức theo thế mạnh chuyên môn của từng người. Suốt gần 3 tháng, vừa tích cực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để việc sưu tầm, tập hợp, khai thác tư liệu hiệu quả. Đặc biệt, do sử dụng một khối lượng tư liệu đồ sộ về hình ảnh, bài báo, văn bản trên sách, báo, tạp chí của Trung ương, của tỉnh đã qua nhiều lần tái bản hoặc do sơ xuất bị thất lạc, nhầm lẫn thông tin nên cán bộ trong phòng đã phải tiến hành xác minh làm rõ nhiều tư liệu lịch sử. Đơn cử như bức ảnh chụp Bác Hồ khi Người đứng nói chuyện với nhân dân ngày 11-1-1946 trong lần đầu tiên về thăm tỉnh. Có nhiều tài liệu ghi là Bác Hồ nói chuyện thân mật với đại biểu các tầng lớp nhân dân tại trụ sở UBND tỉnh, nhưng qua xác minh, đối chứng với nhiều tài liệu liên quan ở cùng thời điểm thì lúc ấy không có tên gọi UBND tỉnh, mà chính xác nhất đó là Bác Hồ nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân tại Ủy ban Hành chính thành phố Nam Định… Hay nhiều lần từng phòng phải cử cán bộ luân phiên đi công tác (Hà Nội) khai thác nguồn tài liệu tại bảo tàng, thư viện và phòng sưu tầm Phi Dũng PDC… để phục vụ các phần nội dung bài viết. Rồi lại đến khâu trình bày, lên ma két, in ấn cũng cần nhiều thời gian bởi có nhiều thông tin phải chuyển tải bằng những biểu thị, biểu đồ để người xem dễ so sánh, tiếp đến là khâu chụp, chỉnh sửa lại ảnh để đảm bảo chất lượng rõ nét nhất…
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, sáng tạo, bài viết tham gia Cuộc thi được đánh giá cao. Nội dung chính của bài viết có bố cục 3 phần gồm: Giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và sự cần thiết của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; tình cảm của Bác Hồ đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định và Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định – 60 năm thực hiện lời dạy của Bác. Cùng với chất lượng phần thi chính thức, điểm nhấn của bài viết dự thi còn được ban giám khảo ghi nhận bởi phần phụ lục với nhiều tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nam Định và tình cảm của nhân dân Nam Định với Bác Hồ; Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định học tập và làm theo Bác trong 60 năm qua hàng trăm bức ảnh, văn bản, huấn thị, tài liệu được sưu tầm công phu qua sách, báo, tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu từ những năm 1946 đến nay như: Hồ Chí Minh toàn tập, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Văn kiện Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội thảo Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chúng ta có Bác Hồ, Bác Hồ viết Di chúc, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân, Nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ (nguyên thư ký của Bác Hồ), Sự kiện Lịch sử Đảng Hà Nam Ninh 1920-1954, Những sự kiện Lịch sử Đảng bộ Hà Nam Ninh 1954-1964, Những sự kiện Lịch sử Đảng Hà Nam Ninh 1965-1975, Nam Hà làm theo lời Bác, 50 năm hoạt động của Đảng bộ Hà Nam Ninh, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định 1930-1975, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định 1975-2005, Báo Sông Đào, Báo Nam Định… Và rất nhiều tư liệu do Bảo tàng tỉnh Nam Định, Viện Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Thư viện Quốc gia cung cấp. Đồng chí Phạm Phú Thiệm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, thành viên Ban giám khảo Cuộc thi “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” cho biết: Tác phẩm tham gia Cuộc thi đã được nhóm tác giả Phòng Khoa giáo – Lịch sử Đảng và Phòng Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) tìm hiểu, công phu, hệ thống được nhiều tư liệu quý trong những lần Bác Hồ về thăm tỉnh và trong suốt chặng đường phát triển của Đảng bộ tỉnh 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Đặc biệt, tác phẩm đã được số hóa, rất tiện lợi cho việc lưu trữ, bảo quản và khai thác, sử dụng mãi về sau.
Tác phẩm dự thi là tình cảm chân thành, tâm huyết của Phòng Khoa giáo – Lịch sử Đảng và Phòng Lý luận chính trị nói riêng và toàn thể Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói chung với lòng thành kính, tri ân, niềm tự hào đối với Bác Hồ kính yêu./.
Bài và ảnh: Văn Trọng