Trận mưa lớn nhất 75 năm trở thành thách thức chưa từng có với hạ tầng thoát nước Dubai, khiến thành phố vốn quen với khí hậu sa mạc khô nóng này tê liệt nhiều ngày.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong đó có thành phố Dubai, ngày 16/4 hứng chịu trận mưa lớn nhất kể từ khi nước này bắt đầu thu thập dữ liệu năm 1949. Lượng mưa trút xuống Dubai trong 24 giờ tương đương gần hai năm, khiến thành phố này ngập trong biển nước, cả đô thị hiện đại gần như tê liệt trong nhiều ngày.
“Khi chúng tôi đi ngủ, nước ngập khoảng 50 cm”, Riaz Haq, luật sư người Anh sống ở Dubai, kể lại. “Khi thức dậy, nước đã dâng lên một mét. Ôtô của chúng tôi ngập trong nước. Mọi thứ bị hư hại”.
Haq cùng vợ và chó cưng mắc kẹt trên tầng hai căn nhà trong hơn hai ngày, trước khi được hàng xóm đưa thuyền đến giải cứu. Trong những ngày mắc kẹt, hai vợ chồng chỉ có chút bánh mì, đồ ăn vặt và vài chai nước để cầm cự.
“Đây là thảm họa tự nhiên. Không ai chuẩn bị trước cho sự tàn phá ở mức độ này”, Haq cho biết thêm.
Lượng mưa kỷ lục đã bộc lộ hạn chế của hạ tầng Dubai trước thời tiết cực đoan, theo giới quan sát. Karim Elgendy, phó giám đốc công ty tư vấn kỹ thuật Buro Happold, trụ sở Anh, cho hay hệ thống cống thoát nước không được triển khai rộng rãi trong quy hoạch thành phố và hầu hết chúng cũng mới được bố trí vài năm gần đây.
Giới chức Dubai hồi tháng 6/2023 phê duyệt sáng kiến 21,8 tỷ USD cho hệ thống thoát nước trong 100 năm tới, đặt mục tiêu thiết lập hạ tầng hiện đại và bền vững cho thành phố này. Tuy nhiên, trận lụt xảy ra cho thấy sáng kiến này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
“Có lẽ ai đó đã phản đối ý tưởng xây hệ thống thoát nước đồng bộ cho Dubai, bởi thành phố hiếm khi có mưa. Tôi nghĩ quan điểm đó là thiển cận”, Elgendy nói. “Khi mưa lớn trút xuống, dòng lũ không có lối thoát, trong khi nền đất đô thị hóa quá cứng để hấp thụ nước”.
Biển nước tiếp tục dâng lên mà không có chỗ thoát, dần nhấn chìm các tuyến đường, sân bay, khu dân cư, khi mưa lớn không ngừng trút xuống.
Giao thông đường bộ bị ảnh hưởng nhiều nhất do nhiều khu vực bị ngập úng. Sau một ngày nắng 17/4, hầu hết các tuyến đường ở Dubai đã cho phép phương tiện lưu thông trở lại, nhưng một số đoạn vẫn ngập sâu và xe cộ chỉ có thể đi lại trên một làn đường, theo Gulf News.
Do hạ tầng thoát nước hạn chế, giới chức Dubai đã phải triển khai các xe bồn hút nước rồi chở đi xả ở nơi khác. Elgendy cho rằng “giải pháp tình thế” này chỉ càng cho thấy sự bất lực của Dubai trong xây dựng hạ tầng tiêu thoát nước.
Với đường không, hàng loạt chuyến bay tại sân bay quốc tế Dubai, một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới, đã phải hoãn hoặc chuyển hướng. Kanish Kumar Deb Barman, 39 tuổi, cho biết anh cùng vợ mắc kẹt ở sân bay Dubai từ 4h ngày 17/4, khi chuyến bay từ Paris, Pháp của họ hạ cánh trễ, khiến hai người bị lỡ chuyến bay nối tiếp đến Calcutta, Ấn Độ.
“Mọi người ngồi quanh sân bay. Bạn biết đấy, không có đủ ghế cho họ ngồi”, Deb Barman nói với Reuters chiều cùng ngày, khi đang chờ chuyến bay kế tiếp đến Ấn Độ.
Hãng hàng không Emirates, trụ sở Dubai, ngày 20/4 cho biết họ đã hoạt động bình thường trở lại. Hãng đã phải hủy gần 400 chuyến bay do ảnh hưởng từ trận mưa lịch sử xuống thành phố.
Trận lụt cũng khiến giới chuyên gia khí hậu cho rằng giới chức UAE chưa thực sự nỗ lực hết sức cũng như lường hết các kịch bản để đối phó thời tiết cực đoan. UAE có khí hậu sa mạc khô nóng, nhưng không đồng nghĩa nước này không có nguy cơ bị ngập lụt.
Năm 2020, UAE đã hứng chịu đợt mưa lớn nhất 20 năm và Dubai cũng rơi vào tình trạng tê liệt như hiện tại.
“Các thành phố ở vùng khô nóng rất thiếu chuẩn bị cho tình huống mưa lớn, cơ sở hạ tầng thường không có khả năng thoát nước nhanh chóng”, Zachary Lamb, trợ lý giáo sư Khoa quy hoạch vùng và đô thị, Đại học California, Mỹ, nói. “Biến đổi khí hậu đang làm đảo lộn những giả định về điều kiện thời tiết dùng để thiết kế, xây dựng hạ tầng cho các thế hệ sau”.
“Dubai chỉ được chuẩn bị để đối phó với tình huống nằm trong phạm vi có thể dự đoán được”, Lisa Dale, chuyên gia thích ứng biến đổi khí hậu tại Đại học Columbia, Mỹ, nói. “Những dự đoán của họ được xây dựng dựa trên những gì từng xảy ra trong quá khứ. Điều này khiến chính phủ nhiều nước trở tay không kịp, bởi biến đổi khí hậu không phải điều thường thấy trong lịch sử”.
Biến đổi khí hậu do ảnh hưởng từ con người đang khiến những đợt nắng nóng và mưa bão trở nên cực đoan, xảy ra thường xuyên và khó dự đoán hơn. Giới khoa học tin rằng về dài hạn, Trung Đông sẽ đối mặt nền nhiệt cao hơn, mưa ít hơn.
Nhưng khu vực khô nóng này cũng có thể phải hứng chịu những cơn bão với lượng mưa chưa từng có. Kịch bản này buộc chính phủ các nước ở khu vực phải cân nhắc cách ứng phó với những sự kiện hiếm khi xảy ra nhưng có thể gây thiệt hại lớn.
“Cần phải cân bằng khi nghĩ đến chi phí bỏ ra và các chi phí cơ hội”, Linda Shi, trợ lý giáo sư về thích ứng khí hậu đô thị tại Đại học Cornell, Mỹ, nói. “Những sự kiện như vậy rất thất thường, không thể dự đoán”.
Sau trận lụt, Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed đã yêu cầu các gia đình trong vùng có nguy cơ cao sơ tán đến nơi an toàn và chỉ đạo lập tức nghiên cứu lại hạ tầng thoát nước của Dubai.
Tuy nhiên, chuyên gia Elgendy cho rằng khi các hạ tầng khác của thành phố đã hoàn thiện, việc xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước mưa là điều “gần như bất khả thi” và vô cùng tốn kém.
“Tại cuộc họp với quan chức chính quyền Dubai, chúng tôi đã chỉ thị chuẩn bị các kế hoạch toàn diện để ứng phó với khủng hoảng tự nhiên, như thời tiết bất ngờ gần đây”, ông nhấn mạnh.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters, Khaleej Times)