Đó là nỗi lòng của những người bán vé số dạo khi năm hết, tết đến. Bên cạnh những ước mong cố hữu, người bán vé số dạo còn nặng tâm tư khi tiền hoa hồng của họ bị giảm xuống suốt một năm nay.
‘Bán miết tới già mà có được công ty xổ số chăm lo quyền lợi gì đâu’
64 tuổi, bà Nguyễn Thị Hường (quê Bình Định) đã có 34 năm bán vé số dạo. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là cái tết thứ 6 liên tiếp, bà Hường ở lại TP.HCM bán vé số. Bà nói rằng từ lúc bị thoát vị đĩa đệm, giãn tĩnh mạch, bà ráng bán vé số cả dịp tết, để dồn tiền đi tái khám.
“Tui bán vé số 34 năm nay, đóng góp không nhỏ cho các công ty xổ số kiến thiết. Đi bán quanh năm suốt tháng, lễ tết cũng bán, vậy mà không được các công ty xổ số quan tâm cho thẻ bảo hiểm y tế hoặc tặng tiền thưởng. Nói chung, kết thúc về già là không được hưởng gì hết”, bà Hường ngậm ngùi chia sẻ với chúng tôi vào ngày 30.1.
Bán vé số dạo cả ngày lẫn đêm
Bà Hường cho biết, từ năm 2004 trở về trước, công ty xổ số có tặng tiền thưởng giữa năm và cuối năm cho người bán dạo. Nhưng từ 2005 đến giờ, các công ty “không cho một đồng cắc nào”.
Theo bà Hường, trước đây cứ 10 năm 1 lần, hoa hồng của người bán dạo được tăng. Nhưng sau này, hoa hồng không những không tăng mà còn bị giảm, trong khi tiền nhà trọ và chi phí hằng ngày tăng cao. Đợt gần đây nhất, từ tháng 2.2023 kéo dài đến nay, tiền lời của người bán vé số dạo từ 1.200 đồng/tờ đã bị các đại lý kéo xuống còn 1.150 đồng/tờ (mức phổ biến).
Trước đó, chiều 8.1, tại một đại lý vé số trên đường Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), chúng tôi gặp bà Đinh Thị Dung (52 tuổi, quê Quảng Ngãi) đi bán vé số trở về. Tôi chưa kịp hỏi thăm, bà Dung đã tuôn một tràng ẩn ức dồn nén bao năm: “Ngày lễ ngày tết vé số đều ra, không cho người bán dạo nghỉ. Người bán vé số làm lợi biết bao nhiêu cho các công ty xổ số kiến thiết, nhưng sao không có được bảo hiểm y tế, tết nhất cũng không có tiền thưởng?…”.
Dẫn chứng ngay chuyện bản thân, bà Dung nói: “Chị bán vé số mười mấy năm rồi, bán miết tới già mà có được công ty xổ số chăm lo quyền lợi gì đâu. Ngày nào mình đi bán thì có tiền, còn ngày nào đau ốm, mệt mỏi là đói nhăn răng. Mình đi hoài ngoài đường, lỡ bị xe cộ tông thì phải tự lo chứ không ai lo”.
Bơ phờ trở về phòng trọ (sát bên đại lý vé số nói trên) sau ngày dài lang thang bán vé số, bà Lê Thị Điệp (53 tuổi, quê Quảng Ngãi) cũng góp chuyện: “Bọn chị chỉ mong công ty xổ số cho mình bảo hiểm y tế. Biết sao không? Ngày nào bọn chị cũng đi ngoài đường, tối cũng đi, rủi ro đâu biết được. Không riêng gì bọn chị, mấy cô đi bán vé số đều mong vậy, người nào đi bán dạo mà đại lý công nhận thì phải có bảo hiểm y tế, để lỡ bị rủi ro hay đau ốm. Còn chuyện mua bán, bọn chị bán nhiều hưởng nhiều, bán ít hưởng ít là đương nhiên”.
Buổi chiều hôm ấy, tuy thời gian eo hẹp bởi phải tiếp tục đi bán vé số, nhưng cũng như bà Dung, bà Điệp vẫn còn nhiều băn khoăn: “Mỗi năm mình xin có cái bảo hiểm y tế mà sao không được, bọn chị nghĩ thấy vô lý quá! Ngày lễ ngày tết, người ta được nghỉ, còn người bán vé số đi lang thang cùng đường. Bọn chị phải đi miết, đau cũng không dám nghỉ, vì vé số ngày đó mình lấy rồi thì đâu ai bán cho mình”.
‘Bán không hết là khóc luôn vì vé số không được trả lại’
Mỗi ngày bà Đinh Thị Dung bán được hơn 400 tờ vé số. Tôi xuýt xoa: “Chị bán cũng nhiều đó chớ!”. Bà Dung giải thích: “Phải đi miết em ơi. Ngày nào cũng vậy, 5 giờ rưỡi bọn chị dậy, 6 giờ là đi bán đến tận giờ xổ số mới về tắm rửa, ăn cơm qua loa, rồi đi tiếp tới 9 – 10 giờ đêm. Chân bị đau, sưng nhức dữ lắm, nhưng tại mình nghèo thì mình phải ráng”.
Một số người cùng phòng trọ với bà Dung cho biết thêm rằng nhiều khi họ còn không kịp ăn. Giờ xổ số xong là xách tờ giấy dò đi bán tiếp, có khi đến gần khuya mới về.
“Chị nói với em ri nè, hồi nào bọn chị cũng nghĩ tới vé số. Đi ngoài đường nhiều quá, đầu óc mình quay mòng mòng luôn. Bản thân chị và nhiều người bán dạo đã phải đi truyền nước do kiệt sức, thậm chí có người bị ngất xỉu phải vô cấp cứu”, bà Dung tâm sự.
Áp lực mưu sinh khiến bà Dung không ít lần như “người mất hồn”. Đơn cử có hôm khách mua 3 tờ mà bà không nhớ họ đưa tiền hay chưa. Nhưng bà không dám hỏi, do sợ mích lòng khách, bữa sau họ sẽ không mua nữa.
Trên thực tế, hầu như ai bán vé số dạo cũng gặp những rủi ro: bán chịu rồi bị một số người xù nợ, bị lừa đổi vé số giả trúng thưởng, bị mất vé… “Nghề này nhiều rủi ro, chứ đâu phải mình bán bao nhiêu vé là được ôm trọn tiền lời bấy nhiêu”, bà Dung đúc kết.
Chia sẻ kinh nghiệm bán được vé, một số người “mát tay” cho rằng phải chịu khó, đi nhiều, hễ gặp người là mời mua, mà mời cũng phải có… chiêu. Bà Lê Thị Điệp tiết lộ: “Bây giờ buôn bán khó khăn, mình phải bỏ sức ra ráng năn nỉ khách mua. Chẳng hạn mình nói: “Từ nãy giờ chị đi hoài nhưng bán ế quá, ủng hộ cho chị vài tờ chứ không thì chị ôm vé. Người ta nghĩ để mình ôm vé tội nghiệp, nên mua”.
Nghe bà Điệp nói vậy, bà Đặng Thị Hoa (63 tuổi, quê Bình Định) lên tiếng: “Nhưng đó là sự thật, chứ không phải mình giả dối gì. Mình bán ế, năn nỉ người ta mua, không phải mình lừa đảo gì”.
Mỗi ngày bà Hoa chỉ bán được 200 tờ vé số, do chân bà bị đau. Bà Hoa trải lòng: “Những người bán dạo như cô nhiều khi tủi thân lắm, đôi lúc bị khách nạt nộ vô cớ. Đi bán từ 6 giờ sáng, bán hết vé số là về, bán không hết là khóc luôn vì vé số không được trả lại”.
Cô gái câm điếc và chiếc túi màu trắng
Con gái bà Dung (tên là Chung) bị câm điếc bẩm sinh, bán vé số dạo đã 6 năm nay. Không được như mẹ, Chung chỉ bán 180 tờ/ngày.
Hằng ngày đi bán vé số, Chung thường đeo chiếc túi màu trắng do cô tự sắm. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, Chung vô phòng trọ của mình lấy một cái túi màu xanh do công ty xổ số tặng, chỉ cho tôi những đường may tay hai bên quai. Chung lắc đầu, ú ớ một lúc rồi ôm cái túi đeo màu trắng với vẻ hài lòng.
Một người cùng đại lý với Chung diễn giải: “Ý nó là công ty xổ số tặng giỏ dỏm quá, nên nó dùng giỏ riêng của mình cho chắc ăn!”.
Được biết, những công ty xổ số kiến thiết thường tặng túi đeo, áo mưa, mũ cho người bán vé số. Tuy nhiên, nhiều người bán vé số dạo và một số chủ đại lý vé số cho rằng các đồ tặng đó rất kém chất lượng, mau rách.