Xuất hiện thường xuyên trong các bộ phim cổ trang, trâm hoa nhung dần trở thành một xu hướng thời trang mới. Tuy vậy, ít ai biết đây là một di sản văn hóa vô cùng đặc sắc của Trung Quốc.
Hoa nhung là loại hoa cài đầu được làm từ lụa tự nhiên và dây đồng. Ngày xưa, hoa nhung thường được dùng trong các lễ hội dân gian và là vật trang trí cho nghi lễ và chỉ có hoàng thất mới được sử dụng.
Trâm hoa nhung xuất hiện thường xuyên trong bộ phim nổi tiếng “Diên Hy công lược”. (Nguồn: Hong Kong 01) |
Dòng lịch sử lâu đời và đầy thăng trầm
Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh thời điểm hoa nhung xuất hiện. Sớm nhất là từ thời nhà Tần, khi Tần Thủy Hoàng tặng thiếp của mình “Ngũ sắc Tống Tử Du” – biểu tượng cho phẩm giá hoàng gia và tình yêu vĩnh cửu.
Đến thời nhà Đường, hoa nhung ngày một tinh xảo và được coi như vật cống phẩm cho cung đình, thiên hạ gọi là “cung hoa”.
Dưới thời trị vì của Võ Tắc Thiên, hoa nhung được liệt vào hàng cống vật của hoàng gia vùng Dương Châu. Chúng trở thành vật mà chỉ có hoàng thân và quý tộc mới được dùng.
Thời nhà Tống, nhu cầu về hoa nhung trong xã hội bấy giờ lớn hơn bất kỳ loại hình thủ công nào.
Ngành công nghiệp hoa nhung nở rộ dưới thời nhà Thanh, đặc biệt dưới thời Khang Hy và Càn Long. Khu vực Nam Kinh trở thành phố hoa nhộn nhịp, hoa nhung được bán trên khắp cả nước.
Trâm hoa nhung từng được coi là cống phẩm chỉ dành cho hoàng thất. (Nguồn: XiaoHongShu) |
Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ công nghiệp, do không cạnh tranh được với các phụ kiện khác, hoa nhung dần ít được biết đến và ngày càng mai một.
Có thể thấy trong lịch sử, dù có thời kỳ phát triển rất hưng thịnh, hoa nhung cũng từng bị lãng quên. Sự quan tâm của công chúng tới phim cổ trang cùng các chính sách của chính quyền thời gian gần đây mới dần vực dậy được di sản văn hóa này.
Biểu tượng văn hóa đậm nét Trung Hoa
Hình dáng hoa nhung thường lấy từ những biểu tượng tốt lành trong đời sống dân gian. Từ hoa nhung trong tiếng Trung cũng phát âm gần giống với thịnh vượng, mang ý nghĩa may mắn và tốt lành.
Màu sắc chủ yếu là đỏ tươi và hồng, ngoài ra còn có màu xanh, màu vàng tô điểm ở giữa…
Hầu hết các họa tiết truyền thống của hoa nhung là phượng hoàng, quả lựu và các loài hoa như hoa nhài, hoa lan trắng, hoa dâm bụt…
Các họa tiết này có nét tương đồng với chủ đề nghệ thuật dân gian truyền thống và hình dáng đặc trưng của dân tộc Trung Quốc.
Hoa nhung không so sánh được với vàng bạc châu báu, cũng không có linh tính tự nhiên như ngọc, nhưng vẻ đẹp lại vô cùng tinh tế, thanh tao, thể hiện rõ nét đẹp phương Đông.
Nghệ thuật thủ công truyền thống tinh xảo
Kỹ thuật làm hoa nhung rất đặc biệt, không thể thay thế bằng máy móc mà phải làm hoàn toàn bằng tay. Bên cạnh vật liệu chính là lụa và dây đồng, để làm hoa nhung còn cần rất nhiều những nguyên liệu khác như: thuốc nhuộm, mủ trắng, dầu nhựa thông… Các dụng cụ phụ trợ cho quá trình này cũng rất đa dạng.
Để có được đoạn nhung đều mịn, nghệ nhân phải dùng lực tay đều và chặt. (Nguồn: The Paper CN) |
Quy trình sản xuất hoa nhung trải qua rất nhiều bước, bao gồm nấu tơ, nhuộm, phơi khô, dải móc, ủi, cắt khung, tạo hình, đính phụ kiện.
Mỗi kỹ thuật đều yêu cầu khắt khe, cơ bản nhất là khâu dải móc. Dải nhung sau khi được cố định và chải mượt, sẽ được kẹp bởi các đoạn dây đồng xoắn ốc ở hai đầu.
Sau đó được cắt nhỏ ra theo từng đoạn, nghệ nhân sẽ dùng tay để xoắn đồng thời mỗi đầu theo hướng ngược nhau. Quá trình đặc biệt thể hiện trí tuệ của người Trung Quốc xưa.
Mối liên kết giữa quá khứ và hiện tại
Trước sự mai một của kỹ thuật làm hoa nhung, những năm 1990, Bảo tàng Văn hóa dân gian Nam Kinh đã thực hiện các biện pháp để bảo tồn loại hình văn hóa này.
Đến năm 2007, chính quyền tỉnh Giang Tô chính thức đưa kỹ thuật làm hoa nhung vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.
Phong tục cài hoa nhung để cầu sự may mắn vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Người dân Nam Kinh vẫn cài hoa nhung trong các dịp quan trọng như lễ cưới, lễ tết hay tết trung thu để cầu cho sự thịnh vượng.
Triệu Thục Tiên là một nghệ nhân thừa kế tiêu biểu về kỹ năng làm hoa nhung Nam Kinh. Những trâm hoa nhung trong bộ phim Diên Hy công lược chính là do ông làm ra. Nhờ sự nổi tiếng của bộ phim mà hoa nhung ngày càng được nhiều người biết đến.
Ông Triệu Thục Tiên làm bình hoa từ kỹ thuật làm hoa nhung. (Nguồn: Kaiwind) |
Kỹ thuật làm hoa nhung rất kỳ diệu, có thể tạo tác lên bất kỳ thứ gì: hoa, chim, cá, côn trùng… Để phù hợp với thị hiếu ngày nay, ông Triệu bằng sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng đã tạo ra những hoa nhung với hình dáng khác nhau, ngoài trâm cài còn có móc treo túi, hoa trang trí, tranh treo tường…
Ông tin rằng, sự kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa phải có sự đổi mới liên tục. “Tôi hy vọng hoa nhung sẽ không chỉ thuộc về quá khứ mà chúng thực sự được sử dụng trong đời sống hằng ngày của chúng ta”.
(tổng hợp)