Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), ngày 29/6 cho biết, sự cố thiên tai khiến một trạm biến áp điện của doanh nghiệp trên địa bàn bị vùi sâu trong lòng đất, đến nay vẫn chưa thể khắc phục.
Cụ thể, vài ngày trước đó, trên địa bàn xã Châu Tiến (huyện Quỳ Hợp) xảy ra mưa lớn, gây xói mòn và làm sạt đất đá trên núi. Một trạm biến áp hạ thế của Công ty TNHH Khoáng sản Phục Sơn bị vùi trong đất đá. Ngoài ra, một trạm biến áp do Công ty INVECON lắp đặt bên cạnh cũng bị ảnh hưởng và gây mất điện hoàn toàn.
“Dưới núi có các hang cacxtơ, trong quá trình nước chảy xói mòn thì xảy ra hiện tượng sụt lún theo tự nhiên” – ông Tùng lý giải nguyên nhân dẫn đến sự cố.
Đại diện doanh nghiệp Phục Sơn cho biết, trạm biến áp hạ thế 320KVA bị sụt lún, vùi trong đất đá vào ngày 26/6. Doanh nghiệp vẫn đang chờ phương án khắc phục của Điện lực Nghệ An.
“Mất điện mấy ngày qua nên máy móc không thể hoạt động, công nhân nghỉ việc. Khi có sự cố, chúng tôi đã báo cáo với bên điện lực. Đến nay, doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi để lên phương án khắc phục. Một số doanh nghiệp khác cũng bị mất điện sau sự cố”, vị này chia sẻ.
Theo thông tin từ Điện lực huyện Quỳ Hợp, do một trạm biến áp hạ thế bị vùi trong hang cacxtơ chưa thể khắc phục nên đến nay, 13 khách hàng đều là doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn các xã Châu Tiến, Châu Hồng đều chưa có điện. Ngoài ra, sự cố trên còn khiến 4 cột điện thuộc đường dây này bị đổ sập và hư hỏng.
“Chúng tôi đã lên phương án khảo sát khắc phục. Đây là tài sản của doanh nghiệp nên tiến độ phụ thuộc vào sự phối hợp của đơn vị chủ sở hữu trạm biến áp. Thông tin đã được báo cáo lên Điện lực tỉnh Nghệ An”, đại diện Điện lực Quỳ Hợp cho hay.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Thoan, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Lam Hồng, phản ánh, do mất điện, doanh nghiệp phải ngừng khai thác, chế biến đá suốt 3 ngày qua.
“Trong hoạt động sản xuất đá không thể sử dụng máy phát điện vì chi phí cao, công suất điện lớn”, ông Thoan nói.
Ông Thoan giãi bày, rất nhiều công nhân phải nghỉ việc tạm thời do mất điện. Một ngày nghỉ làm khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn, trong khi đơn hàng của đối tác đã có lịch trình, thời gian cung cấp hàng hoá.
“Chúng tôi đang rất lo lắng sẽ bị đối tác phạt do chậm đơn hàng”, ông Thoan chia sẻ.
Đại diện một doanh nghiệp khác cũng cho hay, mất điện khiến hàng chục công nhân của đơn vị này phải nghỉ việc, trong khi thời tiết hết sức nắng nóng. Bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp vẫn phải chi từ 13-15 triệu tiền dầu cho máy nổ, máy bơm nước hoạt động.
“Điện lực thông báo phải mất 10 ngày nữa mới có điện. Đang ở thời điểm sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, nếu sự cố không được khắc phục sớm thì chúng tôi sẽ chịu thiệt hại nặng nề” – vị này lo ngại.
Ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, thông tin, ngay sau sự cố xảy ra, lãnh đạo huyện đã giao Điện lực Quỳ Hợp vào làm việc, triển khai cùng doanh nghiệp bảo vệ hiện trường và lên phương án xử lý.