Chiều 26-4, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm tổng kết và bế mạc trại sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký với đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần 5, giai đoạn 2022 – 2025, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
32 nhà văn, tác giả viết đến 34 tác phẩm
Bà Phạm Thị Mỹ Nương – phó giám đốc kiêm phó tổng biên tập Nhà xuất bản Công An Nhân Dân – cho biết trại sáng tác quy tụ 32 nhà văn, tác giả trong và ngoài ngành công an trên cả nước.
Trong đó có nhiều nhà văn thành danh trên văn đàn, đoạt giải thưởng tại các kỳ thi viết tiểu thuyết và ký do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trước đây.
Trong số đó có 6 nhà văn, tác giả hiện là cán bộ chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân hoặc nguyên là sĩ quan công an.
Thành viên trẻ nhất trại sáng tác là tác giả Võ Đăng Khoa, sinh năm 2002. Anh hiện đang công tác tại đội cảnh sát hình sự Công an huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Sau hai tuần sáng tác, các nhà văn đã hoàn thiện hoặc đang hoàn thiện 27 tiểu thuyết và 7 tác phẩm ký, truyện ký.
Điển hình như nhà văn Nguyễn Minh Ngọc với bản thảo Bà mẹ Lái Thiêu, nhà văn Trâm Oanh với tiểu thuyết Bóng tối của ý nghĩ, nhà văn Đào Sỹ Quang với tiểu thuyết Liên minh ma quỷ và tình bạn, nhà văn Lại Văn Long với tiểu thuyết Thánh nữ;
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải với cuốn sách về bà Võ Thị Thắng, nhà văn Nguyễn Hiệp với tiểu thuyết Thương khúc, nhà văn Trầm Hương với cuốn ký Những bờ vai trên bến tàu không số, nhà văn Kim Quyên với tiểu thuyết Một phút xao lòng;
Tác giả Võ Chí Nhất với tiểu thuyết Pho tượng cổ, tác giả Lê Vy Thủy với tiểu thuyết Hai đường kẻ, tác giả Phan Thúy Quỳnh với tiểu thuyết Đáy sâu, tác giả Quách Trọng Trà với tiểu thuyết về công an xã… Nhà văn Nguyễn Trí hoàn thành tiểu thuyết Giang hồ gãy cánh và đang viết tiểu thuyết tiếp theo Qua cửa Thần Phù.
“Dự trại có 32 nhà văn nhưng lại có đến 34 tác phẩm được hình thành, triển khai, hoàn thiện, bội thu hơn cả dự kiến.
Sau kết thúc trại sáng tác, ban tổ chức đề nghị các nhà văn tiếp tục giữ cảm hứng, sớm hoàn thiện tác phẩm. Tôi hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm giành được giải thưởng, gây tiếng vang trong dư luận” – bà Phạm Thị Mỹ Nương cho biết thêm.
Truyền lửa văn chương từ trại sáng tác
Trong trại sáng tác lần này, ban tổ chức tổ chức hai chuyến giao lưu thực tế tại trại giam Xuyên Mộc và Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để các nhà văn hiểu hơn về cuộc sống, công việc của các chiến sĩ công an, tạo thêm chất liệu, cảm hứng sáng tác.
Các nhà văn, tác giả bày tỏ các chuyến đi thực tế đã tạo thêm lửa sáng tác văn chương trong các nhà văn, tác giả trẻ.
Nhà văn Phương Trà cho biết các chuyến đi thực tế, giao lưu đã gợi mở, kích thích sự sáng tạo của các nhà văn.
Nhà văn Nguyễn Hiệp từng xuất bản 19 đầu sách cho biết cảm thấy hạnh phúc khi được tham gia trại sáng tác.
Ông nói được viết hằng đêm là niềm hạnh phúc của người cầm bút. 14 ngày tham gia trại sáng tác là “cuộc đua” viết miệt mài ngày đêm. Ông đã viết hơn 20.000 từ, gần như hoàn thành cơ bản quyển tiểu thuyết.
“Tôi sợ viết thô cứng, không thuyết phục nên luôn chú trọng đến tình cảm, cung bậc cảm xúc thuộc về con người qua từng trang viết” – nhà văn Nguyễn Hiệp chia sẻ thêm.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải trăn trở viết về thể loại ký về bà Võ Thị Thắng.
Dịp này, bà có dịp trao đổi với các nhà văn trẻ và hoạt động nghề nghiệp rất hay và ý nghĩa.
Bà đề nghị ban tổ chức cung cấp thêm thông tin về các nhân vật, tạo điều kiện đi thực tế.
Tác giả Tô Giang quan tâm đến vấn đề hoàn lương của phạm nhân, cũng như tình yêu của phạm nhân.
“Tôi không phải người viết văn chuyên nghiệp, chỉ viết lại cảm xúc. Quan điểm sáng tác của tôi là cố gắng để tác phẩm sống trong lòng bạn đọc” – tác giả Tô Giang nhấn mạnh.
Ông Trần Cao Kiều – phó cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân kiêm giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Công An Nhân Dân – tiếp thu các ý kiến đóng góp và hứa sẽ tạo thêm nhiều điều kiện cho các chuyến đi thực tế, để có thêm chất liệu sáng tác của các nhà văn, tác giả.
Dự kiến lễ tổng kết và trao giải thưởng sẽ diễn ra vào tháng 8-2025.