ANTD.VN – Cùng với động thái mua lại trái phiếu trước hạn thì nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh các đợt phát hành mới trong vài tháng trở lại đây.
Theo thống kê, trong tháng 8/2023 đã có 20 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành hơn 22.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng 7 (tăng hơn 70%). Lượng phát hành trái phiếu tăng vọt chủ yếu nhờ các ngân hàng mạnh tay phát hành trái phiếu trở lại.
Cụ thể, trong tháng đã có 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 56%. Trong đó, Ngân hàng ACB có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỷ đồng, MSB phát hành 1.000 tỷ đồng, OCB 2.000 tỷ đồng, BacABank 800 tỷ đồng, BIDV 700 tỷ đồng…
Ngoài ra, Hội đồng quản trị HDBank cũng vừa thông qua phương án phát hành ra công chúng tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu được phát hành nhằm mục đích bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu vay của khách hàng.
Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong vài tháng trở lại đây |
Như vậy, có thể thấy các ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong khoảng 2 tháng trở lại đây sau khoảng thời gian gần như “đóng băng” suốt nửa đầu năm nay.
Nguyên nhân trái phiếu ngân hàng nóng trở lại có thể là do được gỡ vướng về vấn đề kiểm toán. Trước đó, trong nửa đầu năm nay, nhiều đơn vị kiểm toán đã từ chối xác nhận tình hình sử dụng trái phiếu của các ngân hàng, khiến việc phát hành mới bế tắc.
Cụ thể, theo quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, tất cả doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải công bố thông tin định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng vốn trái phiếu còn dư nợ được kiểm soát bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
Tuy nhiên, theo các ngân hàng, trên thực tế, số tiền mà các ngân hàng huy động được từ trái phiếu với các nguồn khác (tiền gửi dân cư, chứng chỉ tiền gửi…) được hòa làm một, do đó kiểm toán sẽ khó xác định được nguồn tiền phát hành trái phiếu được sử dụng vào khoản đầu tư cụ thể nào.
Tuy nhiên, khó khăn này hiện nay đã được tháo gỡ, một số ngân hàng đã có báo cáo sử dụng vốn được xác nhận của đơn vị kiểm toán.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng cũng đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn để cơ cấu lại nguồn vốn. Chỉ trong tháng 8, đã có 6 ngân hàng, thực hiện 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn, tổng trị giá hơn 6.600 tỷ đồng, theo công bố của HNX (tính đến 30/8).
Xu hướng ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra liên tục nhiều tháng qua. Tính từ đầu năm tới nay, các ngân hàng đã mua lại trên 80.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Sở dĩ ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản khi không thể đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, những trái phiếu phát hành trước đó thường có lãi suất cao, do đó, do đó mua lại trái phiếu trước hạn cũng là cách để các nhà băng cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất, giảm tình trạng dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).
Không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2). Điều này cũng hợp lý trong bối cảnh từ ngày 1/10/2023 tới đây, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ bị giảm từ 34% xuống còn 30%.