Nhiều nhóm ngành biến mất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo ghi nhận trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nửa đầu tháng 7 vẫn khá ảm đạm, thị trường có 14 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành đạt 11.332 tỉ đồng.
Trong đó, chỉ có 412 tỉ đồng trái phiếu do một doanh nghiệp bất động sản phát hành (Công ty Cổ phần Phát triển tổng hợp Hưng Thịnh Phát), 20 tỉ đồng trái phiếu đến từ mảng Chứng khoán (Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí). Còn lại 10.900 tỉ đồng trái phiếu được phát hành từ mảng ngân hàng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành.
Về lãi suất phát hành, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức cao nhất với 12%/năm, kế đến là chứng khoán dầu khí với 8,9%/năm. Trong nhóm ngân hàng, trái phiếu có lãi suất cao nhất thuộc về HDBank với 7,47%/năm, các ngân hàng khác lãi suất trung bình ở mức 5-7%/năm.
Đáng chú ý, tính từ đầu tháng 7 đến nay, trái phiếu một số nhóm ngành gần như biến mất trên thị trường. Ghi nhận từ các tổ chức phát hành, trái phiếu nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gần như vắng bóng. Chỉ có 432 tỉ đồng đến như một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và một công ty chứng khoán, còn lại toàn bộ đều là trái phiếu ngân hàng.
Từ đầu năm đến nay, trái phiếu ngân hàng luôn chiếm tỉ trọng áp đảo trên thị trường. Dữ liệu của Hiệp hội thị trường Trái phiếu doanh nghiệp (VBMA) ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm, trái phiếu ngân hàng chiếm 57,4% tổng giá trị phát hành, trái phiếu bất động sản chỉ còn chiếm gần 31% giá trị phát hành, còn lại là trái phiếu lĩnh vực khác.
Các động thái đẩy mạnh phát hành trái phiếu của các ngân hàng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay giúp các tổ chức tín dụng củng cố tỉ lệ về an toàn vốn, mở rộng quy mô vốn trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm, hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Cần lấy lại niềm tin nhà đầu tư để thị trường phục hồi
Cùng với việc đẩy mạnh phát hành mới, các ngân hàng cũng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, với 38.366 tỉ đồng trái phiếu được mua lại trong nửa đầu năm. Việc mua lại trái phiếu trước hạn giúp các ngân hàng có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung nguồn vốn cần thiết nhằm đáp ứng quy định về an toàn vốn.
Đối với các nhóm ngành khác, thời gian gần đây, một số lượng lớn các doanh nghiệp đã có động thái thỏa thuận với trái chủ để giãn, hoãn thanh toán nợ gốc và sửa đổi kế hoạch mua lại, khiến áp lực thanh toán trước mắt được giải tỏa.
Phương án này tiếp tục giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để tập trung xử lý khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền trả nợ, đặc biệt với nhóm bất động sản khi khả năng trả nợ còn thấp giữa bối cảnh thị trường nhà ở phục hồi chậm.
Đánh giá chung về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Kinh tế nhận định, các trái phiếu được phát hành từ đầu năm đến nay phần lớn là trái phiếu của các ngân hàng với tính thanh khoản cao. Còn TPDN khác, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản vẫn còn trong tình trạng trầm lắng.
Để thị trường phục hồi và phát triển ổn định, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc quan trọng nhất là phải lấy lại niềm tin thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư. Trong đó, giải pháp được vị chuyên gia đề xuất là tất cả các TPDN phải được xếp hạng tín nhiệm, để nhà đầu tư có cơ sở đánh giá được, thẩm định được khả năng trả nợ của các nhà phát hành, chứ không chỉ xếp hạng tín nhiệm đối với những lô trái phiếu phát hành lớn được quy định theo Nghị định 65.
“Nếu làm được điều này, có thể sẽ lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư quay lại thị trường trái phiếu” – TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/trai-phieu-mot-so-nhom-nganh-bien-mat-tren-thi-truong-1368940.ldo