Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chậm thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư. Ví dụ, Công ty CP Tập đoàn Đua Fat (DFF) vừa công bố nghị quyết của người sở hữu trái phiếu cho phép công ty được gia hạn việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu có dư nợ 111,9 tỉ đồng đã quá hạn. Theo đó, trái chủ đồng ý cho DFF thanh toán tổng cộng 25,62 tỉ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu (bao gồm 22,38 tỉ đồng tiền gốc và 3,24 tỉ đồng tiền lãi trái phiếu) vào ngày 1.3. Lãi suất áp dụng là 11,75%. Sau ngày 1.3, DFF sẽ chỉ phải trả tiền lãi mà không cần phải trả gốc nhưng lãi suất quá hạn sẽ tăng lên mức 17,625%/năm.
Từ ngày 15.6.2023 đến 14.7.2023, DFF phải trả cả gốc và lãi với lãi suất 17,625%. Trong trường hợp DFF không thực hiện lộ trình thanh toán cam kết thì trái chủ sẽ xử lý tài sản đảm bảo trái phiếu DFFH2123001.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp đang chậm thanh toán trái phiếu vẫn đang diễn ra như DFF. Chẳng hạn cuối tháng 2, Công ty CP Dịch vụ – Thương mại TP.HCM (Setra) đã có văn bản gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhằm thông báo về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Được biết Setra có 20 mã trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 2.000 tỉ đồng, có cùng ngày thanh toán lãi vào ngày 28.2. Tổng số tiền lãi cần thanh toán là hơn 104 tỉ đồng. Tuy nhiên, Setra thông báo không thể trả bất cứ đồng nào cho trái chủ vì chưa thể thu xếp được nguồn thanh toán.
Hay Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn có lô trái phiếu đến hạn trả lãi có mã HQNCH2124005, tổng giá trị phát hành là 1.600 tỉ đồng. Theo kế hoạch, công ty sẽ tiến hành trả lãi vào ngày 27.2 với số tiền gần 45 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế công ty chỉ chi trả lãi với số tiền hơn 22 tỉ đồng và số lãi. Lý do được công ty đưa ra là vì không thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán do bối cảnh tín dụng bị siết chặt, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi…
Nhưng ở chiều khác, các doanh nghiệp cũng mua lại trái phiếu khá nhiều. Chẳng hạn, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) thông báo thực hiện mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành từ đợt 1 đến đợt 5 năm 2019. Cụ thể, VSH sẽ mua lại 111 trái phiếu có mã VSH_BOND_2019 với 5 đợt phát hành từ 1-5 năm. Tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn theo mệnh giá là 111 tỉ đồng. Trước đó, VSH thông báo đã mua lại trước hạn 108 tỉ đồng trái phiếu trong thời gian từ 28.2 – 7.3.
Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 2 là 5.940 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 15.300 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 3, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn là 17.700 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần so với giá trị đến hạn trong tháng 2. Còn theo số liệu từ Công ty chứng khoán VNDirect ước tính, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 vào khoảng 252.000 tỉ đồng, tăng 64% so với 2022. Trong đó giai đoạn quý 2 – quý 3/2023 được đánh giá là khá thử thách với gần 160.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107.700 tỉ đồng. Theo sau là nhóm tài chính – ngân hàng với 31% tỷ trọng giá trị đáo hạn, tương đương 77.600 tỉ đồng (tăng 24% so với 2022)…
Nguồn: https://thanhnien.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-noi-mua-truoc-han-noi-cham-thanh-toan-18523031216435743.htm