SGGPO
Chuyển đổi từ đất trồng keo, ông Đoàn Văn Bảy (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) trồng một vườn trái cây với diện tích 3ha trồng đủ loại mít, xoài, bơ, ổi… lại còn nuôi thêm dê, gà, heo, bằng cách làm nông nghiệp tuần hoàn. Mỗi năm, ông Bảy thu về lãi ròng hơn 300 triệu đồng.
Thăm vườn cây trái sum suê của ông Đoàn Văn Bảy (thực hiện: NGUYỄN TRANG) |
Mảnh vườn rộng lớn 3ha của ông Đoàn Văn Bảy đang trồng hơn 500 cây mít Thái, 500 cây ổi Thái, hơn 100 cây xoài, 200 cây bơ, 200 cây cau đều đang ra trái sum suê.
Mới đây, ông Bảy còn xuất bán 50 con heo trong tổng đàn 80 con heo kiềng sắt, bán 10 con dê và bán thêm 400 con gà trong tổng đàn 600 con. Ông còn làm bể xi măng nuôi cá. Hiện, ông đang tiếp tục nuôi nhân giống và trồng thêm chôm chôm, sầu riêng…
Ông Bảy trồng hơn 100 cây xoài đều cho trái sum suê. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Bảy cho biết, trước đây, ông trồng keo nhưng thấy cây keo không mang lại hiệu quả kinh tế, 5 năm trồng chỉ thu có 60 triệu chưa tính giống, công, phân bón. Hơn nữa, càng trồng keo lâu năm, đất đai càng cằn cỗi. Ông Bảy nhận thấy chất đất của đồi núi xã Đức Chánh giống đất Tây Nguyên, tầng đá ong sâu từ 2-2,5m, đất đỏ bazan, nên đã lên ý tưởng trồng cây ăn trái.
“Quê tôi, nhiều người lên Tây Nguyên thuê đất làm vườn, vừa đi xa vừa tốn kém nhiều mặt. Do vậy, tôi quyết định làm vườn cây trái trên đất quê hương. Nếu làm tốt, biết đâu người dân quê tôi lại về quê phát triển kinh tế từ mô hình cây ăn trái như tôi và chuyển đổi từ đất trồng keo kém hiệu quả sang làm vườn”, ông Bảy cho biết.
Hơn 500 cây ổi đều được bọc trái, ra quả quanh năm. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bơ cũng cho trái tốt trên vùng đất đồi xã Đức Chánh. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Năm 2016, ông Bảy chỉ trồng cây bơ và cau, đến năm 2018, ông đóng giếng tìm nguồn nước, tiến hành cải tạo đất, lắp đặt hệ thống béc tưới phun tận gốc và tiến hành trồng nhiều loại cây ăn trái trong vườn.
Ông cho biết: “Khi làm nông, ai cũng lo về đầu ra sản phẩm. Tôi nghĩ rằng chỉ cần tôi làm nông nghiệp sạch, canh tác hữu cơ thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tin tưởng. Trước tiên, làm nông nghiệp sạch là để gia đình, con cháu, người thân thưởng thức”.
Ông Bảy học hỏi mô hình nông nghiệp tuần hoàn, quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm từ hoạt động chăn nuôi được ủ dùng làm phân bón cho cây ăn trái, chủ động nguồn phân chuồng sẵn có, đồng thời, từ khâu xuống giống đến thu hoạch đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trong vườn của ông Bảy có rất nhiều bẫy sinh học diệt côn trùng. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Để phòng chống sâu bệnh, ông Bảy chia sẻ bí quyết: “Tôi dùng cách chế biến sinh học, cứ 3 kg ớt, 2 kg tỏi, 1 kg gừng pha theo tỷ lệ như vậy rồi ngâm với rượu, sau 21 ngày thì lấy nước phun, xịt cho cây trồng. Khi cây ra trái, tôi đều dùng lưới bọc để hạn chế sâu bệnh hại xâm nhập vào trái, cứ đều đặn thu trái này thì lấy lưới bọc cho trái khác, liên tục”.
Ông Bảy cho biết: “Các loại cây trồng đều có thời gian thu hoạch ngắn như mít Thái thời gian khoảng 2 năm, phù hợp đất đồi đá ong, nguồn nước ngầm chủ động tưới, khi mít chín có vị ngọt vừa, thơm đặc trưng và đặc biệt là mít thu hoạch quanh năm”.
Đối với chanh dây Đài Loan, chủ yếu dùng làm nước giải khát, khi chín có màu tím sẫm, hương vị độ chua, ngọt, rất thơm. Ổi cũng có thời gian thu hoạch ngắn, ra trái quanh năm. Giá bán ổi 25.000 đồng/kg, mít 20.000 đồng/kg, bơ từ 18.000-25.000 đồng/kg…
Mô hình trồng cây ăn trái sạch, tạo nguồn cung ứng thị trường, hiện nay ngoài bán trái cây theo hình thức thông thường, chợ, tiểu thương, ông Bảy tiếp cận với cách bán hàng qua mạng xã hội và nhận nhiều phản hồi tích cực. Bình quân thu nhập từ vườn trái cây và chăn nuôi của ông Bảy đạt khoảng 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ các chi phí lãi ròng khoảng 300 triệu đồng/năm.
Ông Bảy xây dựng mô hình trại chăn nuôi sạch, thoáng mát. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Bảy dự định làm du lịch miệt vườn nên trồng rất nhiều loại trái cây để khách đến vườn có thể tự hái, thưởng thức nhiều hương vị khác nhau, tạo điểm nhấn cho du khách ghé thăm.