Dịp Tết Trung thu năm 2023, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức chuỗi hoạt động thú vị.
Du khách và các em nhỏ sẽ có những trải nghiệm Tết Trung thu thú vị khi đến khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: An Nhiên
Các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống dành cho du khách trong và ngoài nước sẽ diễn ra tại các điểm di sản trong phố cổ Hà Nội và không gian bích họa phố Phùng Hưng từ ngày 22 đến 28.9.
Đáng chú ý là triển lãm mang chủ đề “Trở về Trung Thu xưa”, với gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh được trưng bày giúp du khách tìm hiểu những nghi lễ Tết trung thu chốn Hoàng cung, không khí rộn ràng tiếng trống, rực rỡ đèn lồng, đèn ông sao, đèn con thỏ…
Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tiếp tục duy trì phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống tại khu phố cổ nhân dịp Tết Trung thu như: hoạt động trải nghiệm làm con giống bột “Lớp học Tò he”; làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng”; không gian trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống; giới thiệu và hướng dẫn làm bánh Trung thu truyền thống.
Các nghệ nhân làm tò he. Ảnh: BTC
Trong đó, các nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề lân cận Hà Nội sẽ cùng tham gia trưng bày, trình diễn giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống gồm: đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, tò he đất… Còn các em nhỏ sẽ được hướng dẫn các trò chơi dân gian là ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò…
Ngoài ra, một không gian vui chơi bổ ích và cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống dành cho du khách cũng được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức.
Ngôi nhà di sản 120 năm, được Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu. Ảnh: An Nhiên
Đối với người Việt Nam, Tết Trung thu là một dịp quan trọng để các gia đình cùng quây quần, vui vẻ sau thời gian lao động vất vả. Tục phá cỗ, trông trăng cũng thể hiện sự quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em cả về vật chất lẫn tinh thần một cách cụ thể, tinh tế, sinh động và độc đáo của người Việt Nam.
Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Những món đồ chơi Trung thu truyền thống Việt Nam như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi; đèn ông sao, con giống bột… là lời nhắn nhủ, gửi gắm mong muốn của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, sự sáng tạo.
Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, ban tổ chức mong muốn góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản của Thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó. Đồng thời, giới thiệu văn hoá truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô nói chung.
Laodong.vn