(Tổ Quốc) – Chương trình “Chào năm mới 2025” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang diễn ra từ ngày 31/12 -1/1/2025, trong đó có hoạt động “Phiên chợ vùng cao” với hoạt cảnh không gian chợ, cùng hơn 50 gian hàng, các tiết mục trình diễn nghệ thuật nổi bật.
Không gian chợ có hơn 50 gian hàng giới thiệu sản vật địa phương tại khu vực Chợ vùng cao; ẩm thực truyền thống phục vụ nhu cầu của du khách tham quan.
Điểm nhấn hoạt cảnh không gian chợ phiên là sự kết hợp giữa không khí vui tươi xuống chợ, cùng nhau múa khèn, giã bánh giày của chàng trai, cô gái dân tộc Mông; các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, ném còn…), ẩm thực dân tộc, sản vật địa phương, nghề thủ công truyền thống với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái (Thanh Hóa) và các nhóm đồng bào phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
Tại chương trình “Chào năm mới 2025”, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức tiếng khèn độc đáo của đồng bào Mông, một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, qua các tiết mục múa khèn đơn, khèn đôi, được các nghệ nhân trực tiếp giao lưu, giới thiệu, hướng dẫn thổi khèn, múa khèn cùng với nhiều tiết mục chào đón năm mới, tạm biệt năm cũ khác.
Các tiết mục múa hát do đoàn nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa trình diễn tại “Phiên chợ vùng cao – Chào năm mới 2025”.
Trưởng làng Mường Lát, ông Hà Văn Thại, đoàn biểu diễn nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Đến với chương trình “Chào năm mới 2025”, đoàn Thanh Hóa chúng tôi mang đến những điệu hát, điệu múa truyền thống của các dân tộc vùng cao, vừa nhằm giao lưu, học hỏi với các dân tộc khác, vừa khôi phục, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đặc biệt, chúng tôi trình diễn tiết mục múa khèn – một nhạc cụ mang ý nghĩa sâu sắc đối với người dân tộc Thái. Khèn là nhạc cụ gắn liền với đời sống hằng ngày của người Thái từ bao đời nay, ai là người Thái đều biết đến. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực duy trì, học hỏi và truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Chị Phan Thị Lựu, người đồng bào Dao ở Mường Lát, Thanh Hoá, nghệ nhân biểu diễn tiết mục múa chuông chia sẻ: Tôi cảm thấy vui vì hôm nay rất may mắn là thời tiết không quá lạnh, dễ chịu, nên có nhiều người đến tham gia và xem chúng tôi biểu diễn. Trong các tiết mục mà đoàn Thanh Hóa mang đến phiên chợ lần này, tôi là một trong những nghệ nhân biểu diễn điệu múa chuông, đây là vũ điệu độc đáo của người Dao đỏ, đã được lưu truyền qua bao thế hệ và được trình diễn trong nhiều nghi lễ truyền thống. Điệu múa là cách mà người dân tộc chúng tôi gửi gắm niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mong cho gia đình luôn mạnh khoẻ, bình an, làm ăn phát đạt, cũng là cách để chúng tôi giới thiệu với các dân tộc anh em về những nét văn hóa mà ông cha để lại.
Trước không khí phiên chợ tại diễn ra vô cùng náo nhiệt, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban quản lý làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam bày tỏ: Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, đây là một cơ hội tốt cho các hoạt động của ngành phát triển. Chúng tôi mong muốn quá trình triển khai chương trình này sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các địa phương, đặc biệt là các thiết chế văn hóa như Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, để làm sao có đầy đủ không chỉ về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách mà còn có động lực và nguồn lực của nhà nước để tiếp tục, huy động những lực xã hội, chung tay đầu tư cho văn hóa xứng tầm, để quốc gia có những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và sáng tạo ra những hoạt động văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa thế giới, làm giàu thêm nền văn hóa nước nhà.
“Bước sang năm 2025, một năm dự báo có nhiều thách thức nhưng cũng mang lại nhiều thuận lợi thì chúng tôi sẽ xây dựng những kế hoạch, phương án nhằm đổi mới các hoạt động, nâng cao chất lượng tại làng Văn hoá. Trong đó có 3 trụ cột chính: Một là phối hợp với địa phương để đưa các nghệ nhân về tổ chức các hoạt động, mang các giá trị văn hóa về đây để tạo ra nhiều điểm nhấn và thu hút khách du lịch. Thứ hai là cố gắng phát huy những cơ sở vật chất theo hình thức xã hội hóa để đáp ứng được nhu cầu của du khách đến với làng trong thời gian tới. Cuối cùng là chúng tôi ứng dụng số hóa để làng văn hóa trở thành một khu du lịch thông minh, để những giá trị văn hóa của các dân tộc không chỉ tiếp cận tới các du khách ghé thăm làng mà người dân khắp mọi miền đều có thể tìm hiểu, trải nghiệm” – ông Trịnh Ngọc Chung cho biết thêm.
Bên cạnh đó, trong không gian chợ còn trưng bày tranh “Sắc màu phiên chợ”, tái hiện vẻ đẹp của vùng đất và con người huyện miền núi xứ Thanh cũng như một số bức ảnh ghi lại không gian văn hóa đặc sắc từng được tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Chương trình “Chào năm mới 2025” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 1/1/2025 với các màn trình diễn nghệ thuật, nhạc cụ truyền thống, nghề thủ công, gian hàng ẩm thực… của dân tộc vùng cao.
Đặc biệt, trong ngày 1/1/2025 sẽ diễn ra tiết mục tái hiện lễ “Mừng cơm mới” của người Thái và lễ hội cầu may của các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hoá, hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị và khó quên./.
Nguồn: https://toquoc.vn/trai-nghiem-cho-phien-vung-cao-tai-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-20241231172128939.htm