SGGPO
Ngày 6-5, Phân khu B8, Ban Liên lạc Tù binh Việt Nam cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5, Ban Chỉ huy Quân sự quận 5 và Quận Đoàn quận 5 tổ chức lễ tưởng niệm tù binh bị địch sát hại tại Trại giam Phú Quốc (Kiên Giang) và tọa đàm về sự kiện thảm sát tù binh ở Phân khu B8 (ngày 6-5-1972), với chủ đề “Tù binh Phú Quốc – Bất khuất kiên cường và cuộc sống đời thường đáng sống”.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của 100 cựu tù binh Phú Quốc và đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.
Đại biểu tham dự tọa đàm mặc niệm tưởng nhớ 4.000 tù binh bị địch sát hại. Ảnh: TRẦN YÊN |
Sau phút mặc niệm tưởng nhớ 4.000 tù binh Phú Quốc bị sát hại, ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5, ôn lại sự kiện lịch sử ngày 6-5-1972 tại Phân khu B, Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc, địch đã bắn vào trại giam làm chết và bị thương 148 người.
Ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 5 ôn lại sự kiện lịch sử ngày 6-5-1972 tại Phân khu B. Ảnh: TRẦN YÊN |
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Liên lạc Cựu tù binh Phân khu B8, nhớ lại, đầu năm 1972, tin quân ta thắng trận trên các chiến trường lan truyền nhanh, địch dùng nhiều thủ đoạn để tra tấn hành hạ tù binh.
Đỉnh điểm là vụ xả súng thảm sát tù binh Phân khu B8. Đêm 6-5-1972, địch huy động 3 tiểu đoàn với vũ khí tối tân như AR15, M16, súng phóng lựu M79, đại liên 30, đại liên M60 xử lý 1.000 tù binh không tấc sắt trong tay.
Sau 15 phút xả súng, chúng kiểm tra thấy mất 2 tên quân cảnh (gồm giám thị trưởng Đinh Trọng Kính và Vũ Đình Khoát) liền gọi loa đòi thả hai tên quân cảnh bị tù binh bắt. Tù binh B8 không trả lời. Địch lại xả súng thảm sát với mức độ ác liệt hơn. Ngay đêm đó, 16 tù binh hy sinh anh dũng, 132 tù binh khác bị thương, có nhiều người bị thương nặng.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Liên lạc Cựu tù binh Phân khu B8 phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TRẦN YÊN |
Trong 7 năm, từ 1967 đến 1973, tại Trại giam Phú Quốc, địch giam hơn 40.000 tù binh, trong đó hơn 4.000 tù binh bị giết hại.
Cựu tù binh Dương Văn Mến kể lại sự kiện Liệt sĩ – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Bé bị nhúng vào chảo nước sôi. Ảnh: TRẦN YÊN |
Ở tuổi 84, cựu tù binh Dương Văn Mến, người chứng kiến Liệt sĩ – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Bé bị hành hình kể: Liệt sĩ Đặng Văn Bé bị đày ra Phú Quốc từ tháng 2-1970. Ngày 30-1-1971, anh em trong trại tập trung đấu tranh không chịu sang trại chiêu hồi. Liệt sĩ Đặng Văn Bé đánh tên quân cảnh, làm cho kế hoạch của chúng bị thất bại. Để trả thù, chúng hành hình Liệt sĩ Đặng Văn Bé bằng cách trùm bao bố nhúng vào nước sôi.
Người tù binh mang số hiệu 313-9517 Huỳnh Văn Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TRẦN YÊN |
“Trại giam tù binh Phú Quốc là địa ngục trần gian nhưng cũng là trường học rèn luyện của người chiến sĩ cách mạng càng thêm vững vàng, kiên trung bất khuất”, tù binh Huỳnh Văn Minh, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), người sáng lập quỹ “Doanh nhân vì cộng đồng”, khẳng khái.
Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi đoàn Quân sự quận 5, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TRẦN YÊN |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi đoàn Quân sự quận 5, tự hào được sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình, độc lập, được kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang của Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Để kế tục xứng đáng truyền thống đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quận 5 luôn tích cực học tập, rèn luyện, phát huy cao độ tinh thần nhiệt huyết cách mạng, khắc phục mọi khó khăn, xung kích, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Minh Hoàng trao lại sử liệu Cựu tù binh Phú Quốc cho thế hệ trẻ. Ảnh: TRẦN YÊN |