Từ ngày 29.9-25.11, các nhà thiên văn học tính toán rằng “mặt trăng mini” sẽ xoay quanh trái đất, trước khi dần dần thoát khỏi quỹ đạo, trong sự kiện thiên văn hiếm hoi.
Tuy nhiên, thiên thể có ký hiệu 2024 PT5, được xem là mặt trăng thứ 2 này chỉ có kích thước khoảng 10 m và rất khó quan sát từ trái đất, dù sẽ ở gần trái đất trong gần 2 tháng, theo tạp chí Time.
Thiên thể này được phát hiện bởi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 7.8, xuất phát từ vành đai thiên thể Arjuna và sẽ quay lại nơi đây sau khi rời quỹ đạo trái đất.
“Trái đất có thể thường xuyên bắt giữ các tiểu hành tinh từ quần thể vật thể gần trái đất (NEO) và kéo chúng vào quỹ đạo, biến chúng thành các mặt trăng nhỏ”, các nhà nghiên cứu Carlos de la Fuente Marcos và Raúl de la Fuente Marcos viết trong nghiên cứu vừa được công bố.
Theo NASA, NEO là bất kỳ vật thể, tiểu hành tinh bị tác động từ các hành tinh gần đó đẩy chúng đến vùng lân cận của trái đất.
Mặt trăng đang bị tính non đến hơn 40 triệu năm tuổi
NASA có chương trình riêng để theo dõi vị trí và quỹ đạo của hàng chục ngàn tiểu hành tinh, với dữ liệu cụ thể cho mỗi NEO, bao gồm các thông số quỹ đạo và tóm tắt cách tiếp cận gần.
Ông Paul Chodas, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật thể gần trái đất tại Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA, cho biết 2024 PT5 có thể là một mảnh vật chất bị bắn ra từ một vụ va chạm trên mặt trăng, nghĩa là mặt trăng nhỏ có thể bắt nguồn từ một mảnh của mặt trăng ban đầu, theo tờ The New York Times.
Nghiên cứu cho biết các mặt trăng nhỏ có thể có nhiều loại, trong đó có những thiên thể quay một hoặc nhiều vòng và ở trên quỹ đạo trái đất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bên cạnh đó, có những “mặt trăng tạm bị bắt” vì ở trên quỹ đạo trong một thời gian ngắn và không hoàn thành được một vòng quay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trai-dat-sap-co-them-mat-trang-thu-2-185240920093208083.htm