Khâu may sofa của công nhân Công ty Cổ phần cắt, may sofa Hoa Sen (Khu Công nghiệp Long Đức). Ảnh: MỸ NHÂN
Đồng chí Trịnh Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: nửa nhiệm kỳ qua, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong điều kiện có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác giải quyết việc làm cho người lao động gặp không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, người lao động nghỉ việc thực hiện cách ly, phong tỏa… ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từng bước được triển khai đã giúp giảm những tác động tiêu cực đến người lao động.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động kết nối, xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể đẩy mạnh chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng. Nửa nhiệm kỳ qua, đã tổ chức đưa 2.301 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đạt 63,91% so kế hoạch.
Công tác giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh cũng được quan tâm, từ năm 2020 đến nay, có 70.916 lao động được tạo việc làm, đạt 77,08% so với kế hoạch. Cùng với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh huy động nhiều nguồn lực để tạo việc làm, ổn định đời sống Nhân dân. Trong giai đoạn dịch bệnh, các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm linh hoạt triển khai các chương trình kết nối, hỗ trợ người lao động tìm việc trực tiếp và trực tuyến.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các sàn giao dịch việc làm được tổ chức nhằm kết nối cung cầu lao động hiệu quả. Bên cạnh đó, các Hội, Đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Công tác hướng nghiệp, dạy nghề được đẩy mạnh.
Qua 2,5 năm, các cấp đã tổ chức 59 cuộc hội thảo, tư vấn việc làm, qua đó đã tư vấn cho 22.279 lượt người. Tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm có 93 doanh nghiệp và 1.908 lao động tham dự. Đã giải quyết 23.126 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền trên 382 tỷ đồng. Thẩm định cấp mới 25, cấp gia hạn 14 và cấp lại 02 giấy phép lao động là người nước ngoài.
Song song đó, công tác giáo dục nghề nghiệp được chú trọng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp đã tuyển dụng, đào tạo 50.890 người, đạt 53,56% so kế hoạch. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đánh giá cao, đến cuối năm 2022 đã nâng tỷ lệ lao động qua đào đạt 68,99%; tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 35,97%. Đến nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 02 trường cao đẳng, 07 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục và 07 cơ sở giáo dục khác có đào tạo thường xuyên. Ngoài ra, còn có hơn 20 doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia hoạt động đào tạo nghề theo hình thức đào tạo thường xuyên, đào tạo sơ cấp góp phần giải quyết việc làm sau khi học nghề cho người lao động tại địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Chính, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh cho biết: từ năm 2020 đến nay, Trường tuyển sinh đào tạo 11 ngành, nghề trình độ trung cấp, 08 ngành, nghề trình độ cao đẳng, 03 nghề liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, liên kết đào tạo 02 nghề liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học; tuyển sinh đào tạo 69 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng. Nửa nhiệm kỳ qua, Trường đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo 2.081 học sinh, sinh viên (1.649 sinh viên trình độ cao đẳng, 432 học sinh trình độ trung cấp), 1.180 học viên trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng.
Hàng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên được xếp loại học tập từ khá trở lên đạt 59,3%; tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp cho trên 1.000 học sinh, sinh viên, đạt tỷ lệ 95%; giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp đạt tỷ lệ 98%. Trong nửa nhiệm kỳ qua, có 640 lượt học sinh, sinh viên đạt các danh hiệu thi đua khá, giỏi, xuất sắc trong năm học, chiếm tỷ lệ 30%; 16 lượt tập thể lớp học sinh, sinh viên tiên tiến chiếm tỷ lệ 20%; 26 lượt học sinh, sinh viên được khen thưởng toàn khóa. Tỷ lệ học sinh, sinh viên bỏ học trung bình dưới 12%/năm; xếp loại rèn luyện hàng năm từ loại khá trở lên chiếm 87%.
Xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân lao động luôn được Đảng bộ tỉnh Trà Vinh qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; đội ngũ công nhân lao động tỉnh đã phát triển vượt bậc về mọi mặt: toàn tỉnh có hơn 61.750 công nhân lao động, có mặt trong hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực và trong các thành phần kinh tế. Tỉnh xuất hiện nhiều công nhân lao động có tri thức, có trình độ tay nghề cao ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới, như: chế biến, sản xuất dược phẩm, hóa chất, công nghệ sinh học, thiết bị viễn thông, thiết bị ô-tô, điện lạnh…
Anh Lê Quốc Trung, công nhân ở một cơ sở điện lạnh tại Phường 1, thành phố Trà Vinh cho biết: năm 2022, sau khi tốt nghiệp ngành Điện lạnh tại Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh tôi xin được việc làm tại một cơ sở tại thành phố Trà Vinh, mỗi tháng thu nhập từ 07 – 08 triệu đồng.
Từ những giải pháp hiệu quả về đào tạo lao động, giải quyết việc làm, qua 2,5 năm tỉnh đã giảm 2,92% tỷ lệ hộ nghèo (tương đương giảm 8.404 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm 5,93% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 3,37%.
Nửa nhiệm kỳ còn lại, dự báo còn không ít khó khăn và trở ngại đòi hỏi các ngành các cấp phải quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn về chính sách lao động, việc làm. Tiếp tục nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, xây dựng môi trường làm việc thân thiện.
KIM NGÂN