Có người còn cho rằng đi ăn quán đừng săm soi kỹ, không thấy những cảnh không nên thấy thì ăn mới ngon.
Thịt, xương để dưới sàn nhà nhớp nháp
Mới đây, một vị khách đăng video “bốc phốt” quán bún chả ở Hà Nội rửa thịt bằng nước than đen ngòm. Đại diện quán giải thích đó là nước mỡ từ thịt nướng chảy xuống và người nướng thịt sơ suất mới có hành động như vậy.
Cơ quan chức năng đã xử phạt quán này 3,5 triệu đồng về các lỗi không có tủ kính bảo quản hàng, không đeo găng tay khi chế biến và không có giấy khám sức khỏe của người lao động.
Theo tôi, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại quán ăn xoay quanh nguồn gốc thực phẩm và cách chế biến.
Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có biết bao nhiêu quán ăn, làm sao quản lý được khâu chế biến sao cho vệ sinh?
Nói điều này, tôi nhớ lại lần đầu mình mất cảm giác ngon miệng, không dám ăn dù đang rất đói.
Lần đó khoảng 19h, sau khi đánh vật với tình trạng kẹt xe ngoài đường, tôi ghé vào quán phở “mối ruột” gần nhà. Quán này mở bán đã lâu, từ trước khi tôi dọn về khu đó ở.
Vào quán, tôi kêu tô phở tái nạm rồi đi rửa tay. Nhà vệ sinh nằm bên trong cùng, ngang qua khu bếp sơ chế.
Tôi chứng kiến cảnh gây ám ảnh. Sàn nhà ẩm ướt nhớp nháp dấu giày dép. Dưới sàn rau nhặt xong lẫn chưa nhặt để trong những rổ to, bên cạnh những túi ni lông to đựng đầy xương, thịt. Phía sàn nước, hai thau đựng thịt ngâm trong nước và có mùi. Bước vào nhà vệ sinh thì bồn cầu có lẽ đã lâu không được chà rửa, gây cảm giác buồn nôn.
Vội đi lên khu vực bàn ăn, tôi thấy tô phở của mình được bưng ra nghi ngút khói. Nhìn thơm ngon là vậy, nhưng tôi không tài nào ăn nổi nữa.
Tôi đành kêu tính tiền, hết 50.000 đồng, rồi nói có việc gấp phải đi ngay. Chủ quán nói sẽ cho vào túi ni lông mang về nhưng tôi từ chối và không bao giờ trở lại lần nữa.
Thịt rớt xuống đất nhặt lên nướng tiếp, rau có ‘vật thể lạ’
Nhiều người chia sẻ khi đi ăn hàng quán là phải chấp nhận, phó thác chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm cho sự hên xui. Anh Thành Huynh (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP. HCM) nói: “Đi ăn ngoài thì tốt nhất không nên săm soi kỹ, vì lỡ nhìn thấy gì đó là sẽ ăn không nổi nữa”.
Anh bông đùa: “Quán ăn nào bây giờ trên tường cũng dán hai, ba giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng có tuân thủ hay không thì có trời mới biết”.
Anh Huynh nhớ lại một lần đi ăn cơm gà xối mỡ, thấy quán đông khách nên yên tâm chất lượng. Nhưng khi bước vào quán, quầy chế biến bám đầy dầu đen kịt, anh đã thấy ớn.
“Tôi tự nhủ chắc quán đông nên chủ chưa có thời gian lau dọn. Vả lại mùi thịt gà chiên thơm thơm, kích thích vị giác nên tôi không nghĩ ngợi gì nhiều”, anh kể cách trấn tĩnh bản thân khi đó.
Xui một chỗ, ăn gần hết dĩa cơm anh phát hiện “vật thể lạ” bám vào cọng xà lách cuối cùng. “Đó là con ốc sên nhỏ bằng hạt đậu đen, vẫn còn bò”, anh nói.
Bực nhưng anh Huynh chẳng muốn làm ầm ĩ nên kêu chủ quán đến, kín đáo chỉ vào dĩa cơm. Chủ quán hơi lúng túng nhưng mong anh thông cảm, nói rằng không tính tiền. “Tính vốn sòng phẳng, nên tôi vẫn tính tiền đầy đủ, nhưng sẽ không bao giờ quay lại quán đó nữa”, anh bày tỏ.
Minh Triết (sinh viên năm 4, TP Thủ Đức) chia sẻ rằng bản thân là sinh viên không có nhiều tiền, mỗi bữa ăn chi tối đa 30.000 đồng nên… không dám đòi hỏi cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Mình biết tiền nào của đó, miễn sao không thấy những cảnh không nên thấy thì vẫn ăn ngon”, Triết bày tỏ.
Triết kể có lần nhìn thấy người nướng thịt của quán cơm tấm làm rớt miếng thịt đang nướng xuống đất nhưng vẫn nhặt lên nướng tiếp. Nhưng chẳng biết làm sao, anh đành vờ như không thấy gì mà ăn tiếp dĩa cơm của mình.
Một thau nước, mong đừng rửa nhiều lần
Còn chị Mai Lê (ngụ quận Tân Bình) cho biết nhóm của mình năm nào cũng đi Phan Thiết (Bình Thuận) chơi vì có nhà bạn ở đó. Chị kể: “Ở Phan Thiết có một quán ăn nổi tiếng nhưng trên sàn đầy rác là giấy, xương… Thế là lần nào nhóm cũng cãi nhau.
Một số bạn nói quán ngon thôi vô ăn đi, mấy bạn còn lại nhất định không chịu ăn, nói là “không thể ngồi ăn trên đống rác được”. Có lần, nhóm của chị phải chia làm hai, nhóm ăn bún, nhóm ăn mì quảng.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng, bởi người ta hay nói “bệnh vào từ miệng”.
Nhiều người hay ăn hàng quán lề đường mong mỏi các chủ quán cần nâng cao ý thức về trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Quán ăn cần thường xuyên vệ sinh, khử trùng dụng cụ nấu nướng, sơ chế thực phẩm, lau dọn bàn ghế.
Nếu quán vỉa hè thì nên đảm bảo rửa chén đũa sạch sẽ, không rửa kiểu chỉ tráng sơ qua hoặc một thau nước rửa nhiều lần. Với hàng quán thuê mặt bằng, nên có một vòi nước, xà phòng và bồn rửa đặt phía ngoài, để khách đến ăn có thể rửa tay sạch sẽ.
Đeo găng tay chế biến, xong cầm giẻ lau bàn, thối tiền
Anh Thành Huynh kể nhiều lúc thấy người chế biến đeo găng tay, nhưng dùng cho nhiều việc: từ xắt thịt, bốc thịt tươi (nếu khách ăn món tái), bún, rau, ngò, tiêu rồi thản nhiên cầm giẻ lau. Anh thắc mắc vậy họ đeo găng tay để làm gì?
Còn Minh Triết chia sẻ thêm nhiều lúc thấy chủ quán đeo găng tay, tưởng là để đảm bảo vệ sinh. Nhưng vừa làm đồ ăn xong, có khách tính tiền, họ dùng luôn găng tay đó cầm và thối tiền. “Chắc đeo găng để họ không bị bẩn tay”, Triết nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tra-tien-to-pho-50-000-dong-roi-vot-le-vi-lo-nhin-thay-nha-bep-20240624134526499.htm