LTS: Sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn phải vay vốn với mức lãi suất cao, hoặc rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Lãi suất cao, DN coi như ‘làm không công”, không có lợi nhuận hoặc buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Báo VietNamNet thực hiện tuyến bài ghi nhận tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp. Để từ đây, ngành ngân hàng sớm có những giải pháp cụ thể giảm lãi suất, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nửa đầu năm nay, gạo là mảng sáng hiếm hoi trong lĩnh vực nông nghiệp khi kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo bình quân neo ở mức cao 539 USD/tấn.
Nhiều quốc gia đang đẩy mạnh mua gạo của Việt Nam. Nhờ đó, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng trưởng 2-3 con số. Một số thị trường mới như Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal… ghi nhận mức tăng đột biến từ 1.147-15.972%.
Với những tín hiệu tích cực, xuất khẩu gạo được kỳ vọng đem về hơn 4 tỷ USD trong năm nay.
Lãi suất cao vẫn khó vay vốn
“Năm nay đơn hàng xuất khẩu gạo khá nhiều”, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An – chia sẻ với PV. VietNamNet. Chỉ tính riêng thị trường Hàn Quốc, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã trúng thầu liên tiếp 3 hợp đồng xuất khẩu gạo lớn. Trong đó, hợp đồng mới nhất là giữa tháng 6, với gần 17.000 tấn gạo xuất sang Hàn Quốc, giá 674 USD/tấn.
Không chỉ Trung An, ông Bình cho biết, đơn hàng xuất khẩu gạo mà các doanh nghiệp (DN) trong ngành nhận được cũng rất nhiều. Nông dân đang thu hoạch vụ Hè Thu, doanh nghiệp rất cần vốn để mua lúa cho bà con. Song thực tế, nhiều DN gặp khó khi vay vốn. Vài DN vay được thì chịu lãi suất cao.
Ông Bình cho hay, xuất khẩu gạo thuộc ngành hàng ưu tiên, được vay vốn lãi suất 4%/năm như công bố của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, DN vẫn phải vay gấp với lãi suất hơn gấp đôi, lên tới 9%/năm.
“Chúng tôi may mắn được cấp vốn đầy đủ. Hàng năm, DN đều ký hợp đồng hạn mức tín dụng cho cả năm. Việc này duy trì hơn 10 năm nay”, ông nói.
“Nhưng lãi suất như hiện tại ăn hết vào lợi nhuận của DN”, ông Bình than thở. Theo ông, nhiều doanh nghiệp sản xuất đang gặp tình trạng này, nhưng “khổ cũng không dám kêu”. Bởi, kêu nhiều hình ảnh DN xấu đi, ngân hàng lại càng không cho vay.
Tại một cuộc họp bàn về xuất khẩu gạo mới đây, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, 6 tháng đầu năm DN phải chi trả 300 tỷ đồng lãi vay ngân hàng. Thành ra, nửa đầu năm nay coi như DN làm ăn không có lời vì lãi suất tới 17%/năm. Thậm chí, ngay cả lãi suất cao cũng không thể vay thêm.
Theo ông Thuận, vụ Đông Xuân DN đầu tư tương đương 10.000 tỷ đồng tiền lúa, nhưng chỉ mua được 6.000 tỷ đồng do không đủ vốn.
“Ngân hàng nói rõ không có thế chấp thì không được vay. Chúng tôi vốn có 800 tỷ, năm vừa rồi doanh thu 12.000 tỷ toàn bộ dựa vào vốn vay. Bắt thế chấp là chết, không cách nào làm được”, ông nói.
Theo tính toán, Lộc Trời cần 1 tỷ USD mới đảm bảo nguồn vốn ngắn hạn mua lúa của bà con nông dân. Vốn dài hạn, DN cần khoảng 400 triệu USD để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, song cũng rất khó vay.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tân Long, cho rằng, chưa nhiều DN lúa gạo được vay vốn trung – dài hạn, mà chủ yếu vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Thậm chí, với vốn ngắn hạn, các ngân hàng cũng nên có chính sách kịp thời.
Với lãi suất mười mấy % một năm như hiện tại, DN “rón rén” không dám vay mua lúa, sợ không bán được hàng thì lỗ; hoặc phải đợi có hợp đồng giá tốt mới dám vay, ông Bá chia sẻ.
Từ đó cho thấy, lãi suất đang là rào cản rất lớn với DN lúa gạo, ông nhấn mạnh.
Cần vốn với lãi suất ưu đãi
Chia sẻ về khó khăn của DN lúa gạo về vay vốn tín dụng, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhìn nhận, NHNH và hệ thống ngân hàng thương mại đã hỗ trợ rất nhiều vì DN có tiền mới mua được lúa của dân.
Tuy nhiên, cả thương nhân và DN trong ngành này tài sản rất nhỏ, việc vay vốn thế chấp bằng tài sản chắc chắn sẽ khó. Do đó, Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét nguồn vốn vay ngắn hạn tại thời điểm thu hoạch chính vụ, đồng thời hướng dẫn thương nhân, DN tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất thấp để thu mua lúa gạo kịp thời nhất.
Ngoài ra, cần tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo. Chính sách này chỉ cần áp dụng trong khoảng thời gian thu hoạch, mùa vụ cao điểm và phải dựa trên thẩm định năng lực kinh doanh của từng DN, bà kiến nghị.
Về lãi suất, theo ông Phạm Thái Bình, khi tăng các ngân hàng thương mại điều chỉnh rất nhanh, thậm chí một ngày tăng đồng loạt. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo hạ lãi suất, song phía ngân hàng lại giải thích cần có độ trễ.
“Lợi nhuận các ngân hàng rất khủng, trong khi doanh nghiệp sản xuất te tua hết vì chịu lãi suất cao”, ông nói và kiến nghị, các ngân hàng thương mại cần thực hiện đúng quy định của NHNN về lãi suất ưu đãi cho các ngành nghề ưu tiên.
Từ nay đến cuối năm, dư địa xuất khẩu gạo còn rất nhiều. Vì thế, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các DN lên ngay chiến lược, kế hoạch trong ngắn hạn về những khó khăn, thuận lợi về vùng nguyên liệu, về vốn tín dụng… gửi Bộ NN-PTNT để cùng tháo gỡ.
Bộ trưởng cho hay, ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho vay tín chấp, nhưng tuỳ mức độ tín nhiệm của DN. Thế nên, DN không chờ tới mùa vụ mới đi vay, mà phải xây dựng một chiếc lược căn cơ để làm việc với ngân hàng. Khi có chiến lược ngắn hạn và dài hạn rõ ràng, độ tín nhiệm của DN tăng, ngân hàng sẽ tin tưởng cho vay.
Về phía ngân hàng, ông gợi ý cần thiết kế những gói lãi suất riêng cho nông dân, cho HTX, doanh nghiệp… tuỳ đối tượng vay có mức lãi suất khác nhau. Những gói này sẽ gắn vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Bài 2: Doanh nghiệp mong lãi suất thấp, được vay tín chấp!