TPO – TPHCM và Bình Dương là hai địa phương phía Nam được chọn thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công (Văn phòng một cửa), xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp nhanh nhất và có tư cách pháp nhân riêng.
Ngày 27/9, thông tin từ UBND TPHCM cho biết đang nghiên cứu, triển khai thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công trên địa bàn thành phố.
Theo UBND TPHCM, việc triển khai thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ “Mô hình Bộ phận Một cửa hiện tại” nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Trung tâm Phục vụ hành chính công theo mô hình này giữ vai trò điều phối chung, là công cụ hiệu quả để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND TPHCM. Tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Tạo điều kiện cho việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện, tổ chức tiếp nhận, số hóa và giám sát, điều phối việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Sử dụng thống nhất các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ cơ sở dữ liệu dùng chung để tránh lãng phí. Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC, trong đó 100% hồ sơ TTHC đều được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá, bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các Bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ.
Tại kỳ họp chuyên đề hôm nay, 27-9, HĐND TPHCM khóa X kỳ họp thứ mười tám đã họp và biểu quyết thông qua việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công trực thuộc UBND TPHCM, tên viết tắt là HCMC PASC.
Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước theo quy định.
Giải quyết thủ tục hành chính thần tốc
Ngày 27/9, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương là một trong hai địa phương phía Nam được chọn để thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh.
Tại tỉnh Bình Dương, mô hình bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong khoảng cách thời gian dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phù hợp với nơi sinh sống, học tập, công tác. Bảo đảm sự linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp với điều kiện, tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC của từng khu vực, tránh việc quá tải cục bộ.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, với mô hình này, năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình của một nhân sự trực tại Bộ phận một cửa trong một năm lên mức tối thiểu trên địa bàn tỉnh là 1.600 hồ sơ; vùng nông thôn 1.200 hồ sơ; vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn 800 hồ sơ. Giải quyết hồ sơ thần tốc, giảm thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ vào năm 2025.
Tình nguyện viên hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bình Dương |
Tại Bình Dương, đề án chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 30/9 đến ngày 31/12/2024: Triển khai thành lập, ra mắt Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp. Giữ nguyên 09 chi nhánh với tên gọi Trung tâm Phục vụ hành chính công. 91 Bộ phận một cửa của 91 xã, phường, thị trấn vẫn giữ nguyên tên gọi.
Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2025 đến ngày 30/6/2025: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ kiện toàn nhân sự Một cửa để xem xét phương án bố trí nhân sự từ các sở ngành, phòng ban chuyên môn, nhân sự Bưu điện, nhân sự chuyên trách phù hợp tình hình thực tiễn. Kết hợp ban hành danh mục Phi địa giới hành chính trong tiếp nhận TTHC. Thành lập 9 chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công (loại 1) trên cơ sở gộp chi nhánh 09 địa phương cấp huyện và 09 Bộ phận một cửa của các phường, thị trấn trung tâm; giữ nguyên 82 Bộ phận một cửa cấp xã – điểm Một cửa như hiện trạng.
Giai đoạn 3, từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2025, rà soát lựa chọn tích hợp một số điểm Một cửa các phường tại các thành phố để thành lập chi nhánh mới hay điểm Một cửa liên phường khi đáp ứng các yêu cầu về trụ sở, cự ly di chuyển, số lượng hồ sơ phát sinh, nhân sự và kết quả thực hiện thí điểm giai đoạn 2 và tiêu chí tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp cận DVC trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km. Đồng thời mở rộng phạm vi danh mục Phi địa giới hành chính trong tiếp nhận TTHC.
Mới đây, Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Đoàn công tác đánh giá, trong 4 địa phương được chọn thí điểm (Bình Dương, Hà Nội, TPHCM và Quảng Ninh), Bình Dương thuận lợi nhất để thí điểm. Nơi đây các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện được triển khai từ sớm; điều kiện vị trí địa lý giữa các địa phương trong tỉnh đồng đều, tốc độ đô thị hóa cao.
Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-va-binh-duong-thi-diem-van-phong-mot-cua-phi-dia-gioi-xu-ly-than-toc-ho-so-post1676943.tpo