Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, đầu năm 2024, thành phố có 22.867 hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn thành phố với 91.253 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,9%/tổng số hộ dân thành phố. Trong số đó, hộ nghèo là 8.293 hộ, với 31.699 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,33%/tổng hộ dân thành phố.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TPHCM, cho biết thành phố đang triển khai nhiều hoạt động, nỗ lực xóa hết hộ nghèo theo chuẩn thành phố trước 30/4/2025, lập thành tích chào mừng 50 năm ngày Thống nhất đất nước.
Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM đã ban hành nghị quyết, đề ra chỉ tiêu cho chương trình giảm nghèo là “đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố”.
Đến cuối năm 2022, thành phố đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố chỉ là 0,33%, sớm vượt chỉ tiêu mà Đảng bộ TPHCM đặt ra.
Do đó, TPHCM muốn tiến thêm một bước trong giai đoạn 2020-2025, quyết tâm xóa hết hộ nghèo theo chuẩn thành phố trong năm 2025. Đây là nhiệm vụ khó khăn vì chuẩn nghèo đa chiều của TPHCM có nhiều chỉ số mà các địa bàn ngoại thành, huyện nông thôn khó thực hiện.
Tính tổng thể, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia gồm thu nhập và 12 chỉ số thiếu hụt. Chuẩn nghèo đa chiều thành phố có 10 chỉ số thiếu hụt thì có 9 chỉ số giống chuẩn quốc gia, không thực hiện 3 chỉ số (nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin) vì 3 chỉ số này đã hoàn thành.
Về chiều thu nhập, chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022-2025 là 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Trong khi đó, chuẩn nghèo thành phố lên đến 3 triệu đồng/người/tháng (áp dụng toàn thành phố) và kèm thêm chỉ số thiếu hụt về người phụ thuộc.
Chuẩn nghèo đa chiều của thành phố còn nhiều hơn chuẩn quốc gia 1 chỉ số thiếu hụt là bảo hiểm xã hội (hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động đang làm việc có thu nhập mà không tham gia BHXH).
Chỉ số thiếu hụt BHXH rất khó hoàn thành tại các địa bàn nông thôn như huyện Củ Chi, Cần Giờ vì lao động ở đây phần lớn làm việc trong khu vực phi chính thức, nông nghiệp… Lao động phi chính thức không tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện hiện vẫn rất khó mở rộng vì ít hấp dẫn.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cần Giờ, hiện huyện còn 825 hộ nghèo, chiếm 4,43% tổng số hộ trên địa bàn. Tỷ lệ này đã đạt chỉ tiêu của Nghị quyết Huyện ủy Cần Giờ đặt ra. Tuy nhiên, để xóa hết hộ nghèo trong năm 2025 thì rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM, đề xuất thành phố có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Khi BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn, người dân chủ động tham gia, chỉ số thiếu hụt BHXH mới có thể đạt được.
Ngoài ra, bà Hồng Hà đề nghị rà soát lại các tiêu chí về việc làm, trình độ nghề để có kế hoạch hỗ trợ người lao động hộ nghèo học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Theo bà Hà, nếu người lao động có nghề sẽ dễ kiếm được việc làm, việc làm có thu nhập cao hơn hiện tại và dễ thoát nghèo một cách bền vững.
Ông Lê Văn Thinh chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cần Giờ nói riêng và Phòng LĐ-TB&XH các địa bàn còn hộ nghèo nói chung phải tham mưu cho lãnh đạo quận, huyện điều chỉnh, xây dựng kế hoạch giảm nghèo với mục tiêu mới là xóa hết hộ nghèo trước ngày 30/4/2025.
Giám đốc sở LĐ-TB&XH TPHCM nhấn mạnh: “Với mục tiêu mới, địa phương cần làm gì, cần thành phố hỗ trợ gì cho địa phương thì cũng đề xuất trong kế hoạch”.