Giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, đầu năm 2023, thành phố có 39.381 hộ nghèo và hộ cận nghèo với 155.764 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,55% tổng số hộ dân thành phố.
Trong đó, hộ nghèo là 21.313 hộ với 83.106 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,84% tổng hộ dân thành phố; hộ cận nghèo là 18.068 hộ với 72.658 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,71% tổng hộ dân thành phố.
Đến cuối năm 2023, thành phố còn 8.293 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,33% tổng hộ dân của thành phố và 14.574 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,57% tổng hộ dân của thành phố. Tổng số hộ nghèo và cận nghèo của thành phố hiện chỉ còn 22.867 hộ, giảm 40% so với đầu năm.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết: “Với kết quả này thì thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM trước thời hạn 2 năm”.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, trong năm 2023, Sở đã tham mưu cho UBDN TP ban hành hàng loạt văn bản triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững; huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, vay vốn làm ăn thoát nghèo…
Tổng kinh phí để thực hiện Chương trình Giảm nghèo năm 2023 của thành phố là hơn 10.229 tỷ đồng; trong đó, bổ sung mới cho năm 2023 là gần 2.106 tỷ đồng.
Thành phố còn thực hiện hàng loạt chương trình an sinh, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo như tặng hơn 120.000 thẻ bảo hiểm y tế; xây dựng, sửa chữa gần 1.100 căn nhà; hỗ trợ tiền điện cho hơn 63.000 lượt; hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 1.200 lao động; chăm lo Tết 2023 cho hơn 103.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo…
TPHCM đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo cho trẻ em hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận học tập. Trong năm 2023, thành phố đã miễn, giảm học phí cho gần 23.000 học sinh; hỗ trợ chi phí học tập cho gần 32.000 lượt học sinh; hỗ trợ học bổng gần 30 tỷ đồng cho 15.860 lượt học sinh nghèo; hỗ trợ 2,1 tỷ đồng tiền ăn cho 1.528 lượt trẻ em mẫu giáo…
Tính ưu việt của chuẩn nghèo TPHCM
Dự kiến năm 2024, TPHCM sẽ huy động nguồn lực thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo với tổng kinh phí thực hiện là hơn 11.752 tỷ đồng; trong đó, bổ sung mới cho năm 2024 là hơn 1.959 tỷ đồng.
Sở LĐ-TB&XH TPHCM tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo để góp phần hỗ trợ cải thiện, nâng cao thu nhập, kéo giảm các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và an sinh xã hội.
Để công tác giảm nghèo thực hiện ổn định trong giai đoạn 2021-2025, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng kiến nghị cho phép TPHCM tiếp tục giữ nguyên chuẩn nghèo đa chiều thành phố giai đoạn 2021-2025 và thực hiện đến hết năm 2025.
Lý do là chuẩn hộ nghèo của thành phố hiện đang áp dụng có tính ưu việt hơn chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, về chiều thu nhập, chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022-2025 là 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Trong khi đó, chuẩn nghèo thành phố lên đến 3 triệu đồng/người/tháng và kèm thêm chỉ số thiếu hụt về người phụ thuộc.
Tính tổng thể, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia gồm thu nhập và 12 chỉ số thiếu hụt, chuẩn nghèo đa chiều thành phố có 10 chỉ số thiếu hụt thì có 9 chỉ số giống chuẩn quốc gia, không thực hiện 3 chỉ số (nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin) vì 3 chỉ số này đã hoàn thành.
Chuẩn nghèo đa chiều của thành phố còn nhiều hơn chuẩn quốc gia 1 chỉ số thiếu hụt là bảo hiểm xã hội (hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động đang làm việc có thu nhập mà không tham gia bảo hiểm xã hội).
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, chỉ số thiếu hụt bảo hiểm xã hội thể hiện sự ưu việt, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và đời sống người dân thành phố.
Thiếu hụt bảo hiểm xã hội là chỉ số khó thực hiện ở địa bàn nông thôn như Cần Giờ, Củ Chi… vì hầu hết người lao động làm nghề tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất khó khăn.
Tuy nhiên, TPHCM vẫn quyết tâm hoàn thành chỉ số thiếu hụt này để đảm bảo cho người dân thoát nghèo bền vững, mọi người dân về già đều có lương hưu, an hưởng tuổi già.