Sáng 1-2, tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2023-2024 giáo dục trung học do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, năm 2024 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng đối với các mục tiêu phát triển của giáo dục thành phố.
Theo đó, năm học 2024-2025 là năm cuối cùng cả nước hoàn tất lộ trình triển khai cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với đó, hiện nay Bộ GD-ĐT đã công bố một số thay đổi đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, kéo theo nhiều thay đổi về định hướng dạy học đối với cấp THPT.
Riêng tại TPHCM, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 dự kiến sẽ có một số điều chỉnh về phương thức đăng ký tuyển sinh.
Đặc biệt, toàn ngành đang thực hiện công trình xây dựng 50 trường học số và Đề án xây dựng 4.500 phòng học nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).
“Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các trường phải có lộ trình, kế hoạch thực hiện một cách bài bản, tránh làm theo kiểu hình thức, đối phó. Từ cuối năm học 2023-2024, trường học chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, lấy ý kiến nhằm tạo đồng thuận của phụ huynh trước khi triển khai trong năm học 2024-2025”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.
Đối với tuyển sinh các lớp đầu cấp, các trường cần tổ chức tư vấn, giúp phụ huynh hiểu và lựa chọn việc tham gia các chương trình nhà trường một cách tự nguyện, đẩy mạnh mô hình “lớp học linh hoạt” (không cố định tổ hợp môn ở từng đơn vị lớp) để đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của học sinh.
Theo Phó phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Phạm Quang Tâm, việc xây dựng, ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường cần cụ thể, đi vào thực tế hoạt động của đơn vị. Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa phải đảm bảo sự đồng thuận của các đối tượng học sinh tham gia.
“Năm học 2023-2024, một số cơ sở giáo dục chưa cung cấp đầy đủ thông tin các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho cha mẹ học sinh gây nhầm lẫn, ngộ nhận là hoạt động giáo dục bắt buộc. Điều này làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục trong việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành cho học sinh. Để khắc phục tình trạng đó, năm học 2024-2025, các đơn vị thực hiện rà soát kế hoạch giáo dục từ đầu năm học. Lãnh đạo nhà trường và hội đồng trường điều chỉnh các thiếu sót trong khâu quản lý hoạt động giáo dục của các tổ chuyên môn, tránh cùng một thời gian có quá nhiều hoạt động giáo dục dẫn đến quá tải đối với học sinh”, đại diện Phòng Giáo dục trung học nêu ý kiến.
THU TÂM