SGGP
Nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được ngành y tế TPHCM đặc biệt quan tâm, trong đó củng cố cơ sở hạ tầng là hoạt động ưu tiên.
Bằng ngân sách hàng năm, ngành y tế TPHCM ưu tiên nâng cấp, sửa chữa được 50 trạm y tế (TYT) theo mô hình y học gia đình. Trong năm 2023 sẽ triển khai 146 trạm từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thích hợp cho trạm cũng rất cần thiết. Sở Y tế TPHCM đã thí điểm thành công đưa máy X quang có trí tuệ nhân tạo (AI) về xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) và sẽ tham mưu UBND TPHCM tiếp tục cho thực hiện ở những trạm y tế xa thành phố.
Thí điểm đưa máy X quang có trí tuệ nhân tạo (AI) về xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) |
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế TP tiếp tục duy trì và phát triển kết nối từ xa giữa các bác sĩ công tác ở TYT với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện của thành phố để được hội chẩn, tư vấn chuyên môn từ xa. Đồng thời, mở rộng danh mục thuốc cho trạm, các bác sĩ ở trạm ưu tiên hàng đầu là quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm như: đái tháo đường, tim mạch, phổi mạn tính, ung thư (giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ); mở rộng danh mục thuốc khám chữa bệnh BHYT tại TYT, nhất là các thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh không lây nhiễm.
Nhìn nhận tuyến y tế cơ sở còn thiếu và yếu về nhiều mặt, để củng cố và nâng chất, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng cho rằng, ngoài việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại thì cần có chính sách đãi ngộ phù hợp trong việc thu hút nhân lực, tăng cường bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình về TYT. Hiện y tế cơ sở của TPHCM chỉ có 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân, tỷ lệ này là quá thấp. Ngoài ra, cần phát triển rộng khắp mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng bởi đây là lực lượng sẽ theo dõi sát nhất các vấn đề sức khỏe của người dân. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng, cần có chính sách đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế cơ sở. Các cơ sở y tế tuyến phường xã, phòng khám tư được hoạt động theo cơ chế bác sĩ gia đình sẽ là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Đây cũng là nơi để họ có thể tiếp cận dịch vụ y khoa ngay trong khu vực mình sinh sống mà không phải vào bệnh viện. Nếu được tạo thêm cơ chế hỗ trợ trong chuyển bệnh, hỗ trợ chuyên môn, hội chẩn trực tuyến từ xa của tuyến trên thì đây chắc chắn sẽ là tuyến y tế cơ sở hoàn chỉnh.