Từ đầu năm đến nay, TP. Sông Công có thêm 25ha chè được cấp giấy chứng nhận VietGAP (tập trung chủ yếu tại xã Bình Sơn và xã Bá Xuyên), nâng tổng diện tích chè VietGAP trên địa bàn lên gần 76ha.
Người dân xã Bình Sơn (TP. Sông Công) thu hái chè sản xuất theo quy trình VietGAP. |
Cùng với đó, toàn thành phố có 385ha chè áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, ngoài việc đầu tư chế biến chè, các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP. Sông Công cũng đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu đóng gói, bảo quản (sử dụng máy hút chân không, máy ủ hương, bảo quản lạnh), cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc… Nhờ đó, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của thành phố từ năm 2019 đến nay đã có những chuyển biến tích cực, với 10 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 sao và 4 sao.
TP. Sông Công hiện có khoảng 550ha chè sản xuất, sản lượng chè búp tươi đạt trên 5.000 tấn/năm. Hàng năm, thành phố đã hỗ trợ đưa các sản phẩm chè tham gia nhiều hội chợ triển lãm ở trong và ngoài tỉnh, hội chợ triển lãm “Mỗi xã một sản phẩm”; phối hợp với ngành Bưu điện đưa các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Postmart, Voso…), góp phần mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX.