Diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Sông Công ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Để bảo đảm tăng trưởng ngành nông nghiệp từ 4-5%/năm, địa phương ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ thực tế cho thấy, chủ trương này bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới ở xã Bá Xuyên (TP. Sông Công) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.L |
Vụ hoa lan Hồ điệp của gia đình anh Đinh Xuân Lợi, ở tổ dân phố 1, phường Thắng Lợi (TP. Sông Công), dịp Tết vừa qua tiếp tục thắng lớn. Theo đó, gia đình anh trồng 1,2 vạn cây lan Hồ điệp các loại, được khách hàng ưa chuộng tiêu thụ rất thuận lợi. Mỗi cành lan có giá từ 160-180 nghìn đồng, tổng thu nhập đạt trên 1,2 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 3 gia đình anh Lợi trồng hoa lan bán dịp Tết và là mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn TP. Sông Công. Xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích hoa lan và nhận thấy nhu cầu thị trường đối với sản phẩm hoa lan cao cấp tại Thái Nguyên khá lớn, năm 2022, anh mạnh dạn đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng.
Với quy trình khép kín, từ nhiệt độ, ánh sáng đến việc chăm sóc, tưới nước được đầu tư bài bản, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Theo anh Lợi, đầu tư vào mô hình ban đầu vốn lớn, nhưng bù lại lợi nhuận thu về cao ở nhiều năm tiếp theo.
Vụ Tết vừa qua, vườn hoa lan Hồ điệp của gia đình anh Đinh Xuân Lợi, ở tổ dân phố 1, phường Thắng Lợi (TP. Sông Công), tiếp tục mang lại nguồn thu rất cao. |
Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Xanh, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) cũng chọn hướng ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi.
Ông Đặng Văn Ngữ, Giám đốc HTX chăn nuôi Xanh: Khu chuồng của chúng tôi được đầu tư bài bản với hệ thống vòi uống nước tự động cho vật nuôi, máng cám inox, hệ thống quạt máy, điều hòa không khí và thảm sinh học.
Khu chuồng cũng được trang bị hệ thống giàn phun sương sát khuẩn từ cửa ra vào đến khu chăn nuôi, giúp hạn chế dịch bệnh, có khu xử lý chất thải riêng, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Nhằm chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư các loại máy móc chế biến thức ăn, như: máy băm rau, xay ngô cám, trộn thức ăn…
Đồng thời, ứng dụng phương pháp phối trộn thức ăn, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như cám gạo, ngô, khoai, sắn, rau xanh... do thành viên HTX tự trồng nên giảm đáng kể chi phí sản xuất và giúp quản lý nguồn gốc nguyên liệu. Hiện nay, HTX chăn nuôi Xanh đã xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại phường Thắng Lợi và Lương Sơn. Nhờ đó, sản phẩm bán ra có giá cao hơn khoảng 10% so với thịt lợn bình thường.
Được quy hoạch là đô thị công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất nông nghiệp của TP. Sông Công đang đối mặt với nhiều thách thức, như: Diện tích đất sản xuất nông ngày càng thu hẹp, phần lớn là đất xen kẹp; nhiều khu vực quy hoạch, thu hồi để thực hiện các dự án xây dựng khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư… Do vậy, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp phù hợp và đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Sông Công lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thành viên HTX chăn nuôi Xanh, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), phối trộn thức ăn cho đàn lợn. |
Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, cùng với việc vận động, hướng dẫn người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bằng nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, TP. Sông Công đã dành nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư, hỗ trợ người dân triển khai các mô hình sản xuất, như: Hỗ trợ một lần 40% chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho chè; hỗ trợ xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính trong sản xuất rau, hoa, dưa lưới. Mức hỗ trợ là 40% chi phí đầu tư cho 1 dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Trong giai đoạn 2020-2025 thành phố đã hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng để nông dân xây dựng trên 10 mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, qua thực tế cũng cho thấy mặc dù đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng việc triển khai còn gặp không ít khó khăn.
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn. Để xây dựng một trang trại chăn nuôi theo mô hình này cao gấp 3-4 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống. Đối với trồng trọt, đầu tư 1ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động cũng cần ít nhất hàng chục tỷ đồng. Các mô hình này cũng đòi hỏi nguồn nhân lực có kiến thức để chăm sóc cây trồng, vật nuôi một cách khoa học. Đây là những “rào cản” lớn không phải nông dân nào cũng có thể thực hiện được.
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công: Trong xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Sông Công lần thứ X, nhiệm kỳ 2025-2030, địa phương tiếp tục định hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, địa phương ưu tiên phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm chủ lực của địa phương mang lại giá trị kinh tế cao.
Thành phố cũng tập trung quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Để có nguồn lực đầu tư, địa phương tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và dành nguồn kinh phí thoả đáng hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/tp-song-cong-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-362097c/
Bình luận (0)