TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đưa các thủ tục đầu tư về quản lý “một cửa” tại một đầu mối, qua đó phấn đấu thu hút khoảng 50 dự án FDI công nghệ cao trong hai năm 2024-2025, đồng thời tăng 50% số lượng các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới đến đầu tư tại địa phương.
TP. Hồ Chí Minh: Triển khai các chính sách hỗ trợ dự án đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo |
Thiếu lợi thế thu hút dự án tỷ đô
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào địa bàn đạt hơn 5,85 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước và tăng trưởng mạnh ở mức 48,5% so với cùng kỳ năm 2022.
TP. Hồ Chí Minh tăng tốc hoàn thiện hạ tầng để tăng thu hút vốn FDI |
Kết quả thu hút FDI trong năm qua đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm sáng trong các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế trong lợi thế cạnh tranh giữa các địa phương trong thu hút vốn FDI. Giá trị vốn thu hút FDI của thành phố đang giảm dần so với những năm trước và khả năng thu hút các dự án lớn thấp hơn so với Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang.
Cụ thể, trong cả năm 2023 các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh thu hút được 16 dự án FDI mới với tổng quy mô vốn đăng ký 63 triệu USD. Trong các năm 2017-2022, toàn thành phố chỉ có 3 dự án quy mô lớn được nhà đầu tư FDI lựa chọn đầu tư, bao gồm: dự án 650 triệu USD của Techtronic Tools-2019; dự án 300 triệu USD của Wanna Explore-2019; và dự án tăng vốn 841 triệu USD của Samsung năm 2022. Trong khi đó, Bình Dương, Long An, Hải Phòng… lần lượt thu hút được các dự án từ 1-3 tỷ USD từ các tập đoàn lớn nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thành phố giảm lợi thế thu hút FDI. Trong đó, nổi bật nhất là quỹ đất công nghiệp ngày càng thu hẹp và gặp nhiều vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2023, thành phố vẫn còn 15.000/60.000 ha đất công nghiệp vướng mắc về pháp lý và giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, các dự án địa phương kỳ vọng kêu gọi đầu tư FDI chủ yếu thuộc các lĩnh vực chế biến, chế tạo; khoa học công nghệ; thông tin truyền thông và kinh doanh bất động sản. Các lĩnh vực này đều cần quỹ đất lớn để đầu tư dài hạn.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, trong giai đoạn 2017-2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. Hồ Chí Minh liên tục sụt giảm. Năm 2022 thành phố xếp thứ 27 trong bảng xếp hạng PCI cả nước, giảm 10 bậc so với năm 2017. Trong khi đó Quảng Ninh liên tục dẫn đầu, Bắc Giang vươn từ vị trí 30 lên vị trí thứ 2, Hải Phòng từ hạng 9 lên hạng 3. Điều này cho thấy thành phố chưa có nhiều cải thiện về môi trường kinh doanh và cải cách hành chính tạo thuận lợi và thân thiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cần những cam kết “cùng bay với đại bàng”
Nhằm lấy lại vị thế “đầu tàu” thu hút vốn FDI, TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 1/2024 đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút FDI giai đoạn 2023-2025, với hàng loạt các giải pháp bao gồm: Hoàn thiện quy hoạch hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư và đặt ra các mục tiêu cụ thể trong việc giữ chân và thu hút thêm các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) cho hay, đơn vị này đã kiến nghị UBND thành phố tái lập cơ chế “một cửa” trong cấp phép đầu tư. Lãnh đạo thành phố cũng cam kết trong thời gian tới sẽ đưa các thủ tục đầu tư về một đầu mối. Trong đó, các dự án đầu tư tại SHTP và các khu chế xuất – khu công nghiệp sẽ do các ban quản lý làm đầu mối. Đối với doanh nghiệp đầu tư ngoài khu vực này tiếp tục được giao cho Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) thực hiện từ khi xúc tiến đến triển khai hoạt động.
Theo đó, hai năm 2024-2025 TP. Hồ Chí Minh sẽ đặt mục tiêu thu hút 50 dự án công nghệ cao với tổng vốn trên 3 tỷ USD. Đến năm 2030, tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới (do Tạp chí Fortune – Hoa Kỳ xếp hạng) có hiện diện và hoạt động tại thành phố.
Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, để đạt được các mục tiêu này, đồng thời nâng cao được hiệu quả của nguồn vốn đầu tư FDI, chính quyền địa phương cần có những cam kết “cùng bay với đại bàng”.
Trong đó, ngoài việc tập trung mở rộng khu công nghiệp Phạm Văn Hai I, II và hoàn thiện kết nối các dự án hạ tầng lớn như: Metro số 1, Đường Vành đai 3, cầu Thủ Thiêm 4… Từ đó, cần vận dụng các chính sách ưu đãi đặc thù để xây dựng các chính sách thu hút FDI mới, hấp dẫn hơn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng TP. Hồ Chí Minh vẫn có lợi thế nhất ở Việt Nam trong hoạt động chuyển giao công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cần tiếp tục đưa ra các quy định hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D); hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng. Ngoài ra, thành phố cũng cần chủ động hướng dẫn việc thực hành chuyển giao công nghệ, cập nhật và đơn giản hóa thủ tục pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn quốc tế kết nối với nhà cung cấp và chuỗi cung ứng tại Việt Nam.