Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố năm 2023 ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khu vực thương mại dịch vụ tăng 6,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,42%, công nghiệp tăng 4,41%thuế sản phẩm tăng 3,57% và khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 1,53%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố năm 2023 ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022 |
Theo Cục Thống kê thành phố, ngoại trừ ngành kinh doanh bất động sản có mức tăng trưởng âm 6,38%, các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá như bán buôn, bán lẻ tăng 10,17%; vận tải, kho bãi tăng 7,64%; thông tin và truyền thông tăng 5,94%; giáo dục và đào tạo tăng 7,03%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,61%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,69%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,61%; y tế và hoạt động cứu trợ tăng 3,24%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất (+16,38%) so với năm 2022.
Về cơ cấu kinh tế, xét theo giá hiện hành, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 21,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 0,5%; và khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 64,9%;
Giải thích về con số khả quan của hoạt động thương mại dịch vụ, lãnh đạo Cục Thống kê thành phố cho biết, trong thời gian qua thành phố đã xây dựng nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng, đặc biệt với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện vận tải nên sức mua nội địa tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, người dân vẫn có tâm lý thắt chặt chi tiêu và thị trường mua sắm, tiêu thụ hàng hoá vào tháng giáp Tết chưa sôi động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2023 ước đạt 110.798 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước (doanh thu thương mại tăng 5,1%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 3,0%, dịch vụ du lịch lữ hành giảm 4,7%, dịch vụ khác tăng 3,3%) và tăng 15,4% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 12 ước đạt 64.198,5 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các nhóm hàng có mức tăng cao trên 10% so với cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm tăng 14,1%; hàng may mặc tăng 13,2%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 20,6%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,1%; xăng, dầu tăng 34,6%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,0%; ô tô con tăng 26,5%; đá quý, kim loại tăng 60,5%; sửa chữa xe có động cơ tăng 64,6%.
Ước tính cả năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 697.604,7 tỷ đồng, chiếm 58,6% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 11,6% so với năm 2022, trong đó nhiều nhóm hàng tăng cao như nhóm hàng lương thực, thực phẩm (+20,7%); nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (+12,4%); nhóm hàng vật phẩm văn hóa giáo dục (+15,5%); nhóm hàng ô tô con (+13,0%); nhóm hàng xăng dầu (+20,9%); nhóm hàng đá quý, kim loại (+42,5%) và nhóm hàng sửa chữa xe có động cơ (+55,5%).
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho rằng, từ những bài học thực tế trong năm 2023, tiếp nối động lực tăng trưởng từ Nghị quyết số 98/2023/QH15, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP của Thành phố từ 7,5% đến 8%, Thành phố cần tập trung giải quyết tốt nhiều nội dụng.
Theo ông Hoàng, thành phố cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục rà soát, kiến nghị với Bộ ngành, Trung ương sửa đổi những bất cập quy định chồng chéo của các dự án Luật, ưu tiên tháo gỡ những quy định liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 98/2023/QH15; tiếp tục thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp kích cầu đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng trong dân cư, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, triển khai các chương trình khuyến mãi với quy mô lớn hơn…; tăng cường công tác dự báo, kiểm tra và bình ổn giá cả, xây dựng các giải pháp nhằm ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường, đặc biệt xu hướng xuất nhập khẩu tại các thị trường lớn của Thành phố, giữ vững ổn định thị trường tài chính, thị trường bất động sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước, tranh thủ thời cơ đẩy nhanh việc số hoá dữ liệu ở tất cả cơ quan, nhất là dữ liệu dân cư, dữ liệu doanh nghiệp…