Báo cáo Văn phòng Chính phủ kết quả triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, về tháo gỡ khó khăn, khơi dậy tiềm năng, nguồn lực xã hội, trong lĩnh vực quản lý đầu tư, thành phố đã bố trí 3.794 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028, đã bố trí 50 tỷ đồng vốn trung hạn 2021-2025 để chuẩn bị dự án..
Với cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong đó có việc phát triển đô thị theo định hướng TOD |
Thành phố đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm là 11.287 tỷ đồng; dự toán chi ngân sách của UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4%, đã bố trí dự toán năm 2024 với mức tối đa 4% là 688,6 tỷ đồng; thành phố đã áp dụng cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha cho 1 dự án; đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án, cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ nhà ở xã hội; đã có 5 đơn vị đăng ký thực hiện chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện cho 5 nhà máy.
Đối với cơ chế hoạt động của TP. Thủ Đức, về cơ bản, mô hình chính quyền đô thị thành phố Thủ Đức đang đi vào hoạt động ổn định với tổ chức bộ máy chính quyền địa phương Thành phố phù hợp, chuyên sâu, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, cơ chế phân cấp, ủy quyền đã được triển khai kịp thời, đồng bộ và thiết thực, giúp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, góp phần quan trọng để TP.Thủ Đức đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 98%, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Thủ Đức phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong thực hiện nhiệm vụ..
Trong thời gian tới, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ rà soát tình hình triển khai áp dụng các cơ chế đặc thù vào các chương trình, đề án, dự án và hoạt động quản lý nhà nước của từng cơ quan; Thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù đã được cấp thẩm quyền ban hành…
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý đầu tư như ban hành quy định chi tiết mẫu công bố thông tin danh mục các dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP. Hồ Chí Minh; quyết định danh mục ngành, nghề ưu đãi mới phát sinh theo xu thế phát triển công nghệ mới của thế giới hoặc từ thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của thành phố phù hợp với định hướng của quốc gia về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, phát triển bền vững. Đối với lĩnh vực tài chính ngân sách nhà nước, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ ban hành Kế hoạch tổ chức đấu giá cho thuê đối với mặt bằng sản xuất kinh doanh, cơ sở nhà, đất.
UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ ban hành Kế hoạch thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng TOD; ban hành quy định về trình tự, thủ tục và kế hoạch thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các diện tích đất thuộc quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được xác định tại hợp đồng BT để thanh toán cho nhà đầu tư… Quy định điều chỉnh mật độ xây dựng, các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật các dự án đầu tư công độc lập vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận thành phố.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-dat-duoc-nhieu-ket-qua-noi-bat-tu-nghi-quyet-982023-157260.html