Làm 1 tuyến metro “ngốn” 12 – 15 năm
Theo MAUR, mục tiêu hoàn thành 220 km đường sắt đô thị trong 12 năm tới là thách thức rất lớn đối với TP.HCM.
Đầu tiên về quy hoạch, hiện nay, dân số tại thành phố (bao gồm người dân nhập cư) ngày càng tăng nên có sự thay đổi rất lớn so với thời điểm nghiên cứu của Quyết định số 568/QĐ-TTg. Mặt khác, một số quận, huyện ngoài trung tâm của thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều khu công nghiệp được đầu tư mạnh mẽ nhưng thiếu sự gắn kết hoặc định hướng quy hoạch phát triển thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, phạm vi lập quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị hiện nay chỉ dừng lại ở quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, chưa gắn với quy hoạch phát triển đô thị dọc tuyến (TOD), do vậy không đảm bảo tính đồng bộ giữa phát triển đường sắt và phát triển đô thị.
Về thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, dự án đầu tư phát triển đường sắt đô thị do nhà nước bỏ vốn đầu tư nhưng không thu được giá trị gia tăng do việc phát triển đường sắt đô thị mang lại. Trong khi các dự án thường là dự án quan trọng quốc gia, được xây dựng theo tuyến, có vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện dài. Công tác giải phóng mặt bằng thu hồi đất để thực hiện dự án tốn rất nhiều thời gian, chi phí tăng cao do sau khi quy hoạch giá đất tại vị trí thực hiện dự án và các khu vực lân cận ngày càng tăng.
Nguồn lực tài chính cũng là thách thức rất lớn bởi theo quy hoạch hiện tại, nhu cầu vốn cho hệ thống đường sắt đô thị là khoảng 25 – 30 tỉ USD. Hiện nay đã có 2 tuyến đường sắt đô thị của TP.HCM đang triển khai sử dụng nguồn vốn ODA. Việt Nam không còn thuộc nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp và gia nhập vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, dẫn đến các khoản vay nước ngoài sẽ ít thành tố ưu đãi, mang tính thương mại cao.
Tổng mức dư nợ vay của thành phố là không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Thành phố không được trực tiếp vay vốn nước ngoài mà phải vay lại từ nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố.
Quan trọng nhất, các thủ tục theo quy định hiện nay quá phức tạp. Công tác chuẩn bị đầu tư cho 1 dự án đường sắt đô thị riêng biệt, thường là 1 tuyến, vì có tổng vốn đầu tư lớn nên là các dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, phải thông qua rất nhiều bước. Tổng thời gian thực hiện kéo dài trung bình 12 – 15 năm cho 1 tuyến. Do thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài, việc đầu tư khai thác không đồng bộ giữa các tuyến sẽ làm giảm hiệu quả của toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tạo dư luận không tốt…
Ngoài ra, các dự án đường sắt đô thị đang trong quá trình đầu tư và xây dựng áp dụng các công nghệ khác nhau. Sự khác biệt về kỹ thuật và công nghệ này có tác động lớn đến công tác đầu tư, xây dựng và vận hành, gây ra một số hệ lụy, bất cập không thể tránh khỏi. Điển hình như kích thước đường hầm, kích thước toa xe khác nhau nên các đoàn tàu của tuyến này không thể di chuyển sang tuyến khác; mua sắm vật tư phụ tùng phục vụ thay thế và bảo dưỡng khó khăn, số lượng mua sắm ít nên giá thành cao; khác nhau về công nghệ thẻ vé, phương thức thanh toán làm giảm sự thuận tiện và không hấp dẫn hành khách…
Ngành công nghiệp đường sắt trong nước hiện nay thì chủ yếu phục vụ cho đường sắt quốc gia với quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu làm chủ công nghệ để cung cấp vật tư, phụ tùng duy tu, bảo dưỡng của các tuyến đường sắt đô thị hiện đại.
“Chưa kể, việc thi công đồng loạt tất cả các tuyến đường sắt đô thị sẽ ảnh hưởng nặng nề tới giao thông và kinh tế của TP.HCM (thi công công trình ngầm, lập hàng rào cho công trình thi công trên mặt đất…); mô hình tổ chức, quản lý dự án, đào tạo nguồn nhân lực cũng gặp rất nhiều khó khăn” – báo cáo của MAUR nêu rõ.
Làm sao rút ngắn thời gian 3 – 4 lần?
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, MAUR kiến nghị có cơ chế đặc biệt cho phép TP.HCM thực hiện thu hồi đất ngay sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt và đền bù thu hồi đất theo giá thị trường có cộng thêm hệ số khuyến khích người dân bàn giao đất và ưu tiên tái định cư tại chỗ để người dân được hưởng lợi từ mô hình TOD.
Về nguồn lực tài chính, ngoài vốn đối ứng ngân sách thành phố và vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ như hiện tại, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính gồm: ngân sách Nhà nước dùng để thu hồi đất giải phóng mặt bằng; tổ chức đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD; huy động vốn trong nước như phát hành trái phiếu, công trái, cổ phần, hợp tác công tư hoặc các hình thức hợp pháp khác (nếu có)… và vay vốn nước ngoài.
Theo MAUR, để đạt mục tiêu hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch đến 2035 thì công tác chuẩn bị đầu tư cho toàn bộ các tuyến phải được hoàn thành trong vòng 4 – 5 năm (chậm nhất vào năm 2028). Từ yêu cầu này, MAUR đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là không thực hiện các thủ tục đầu tư cho 1 dự án, 1 tuyến riêng biệt như cách làm hiện nay mà thực hiện thủ tục đầu tư cho toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho toàn bộ dự án, sau đó giao TP.HCM thực hiện phê duyệt dự án đầu tư.
Theo phương án này, dự kiến thành phố lập, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương khoảng 1,5 – 2 năm; các bước phê duyệt dự án (do thành phố chủ động) thực hiện khoảng 1 năm. Tổng cộng thời gian chuẩn bị đầu tư (cho toàn bộ các tuyến) khoảng 3 năm. Đảm bảo hoàn thành trước năm 2028 để chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án.
Phương án 2: Thực hiện các trình tự như phương án 1 nhưng đề xuất giao TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, cần thiết phải thiết lập khung quy chuẩn/tiêu chuẩn chung cho toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị trước khi dự án được phê duyệt (trong khoảng 1,5 – 2 năm tới) gồm các yếu tố cơ bản như khổ giới hạn của hầm; kỹ thuật và công nghệ cấp điện; khổ giới hạn và kích thước toa xe; hệ thống thông tin, tín hiệu và điều hành; tạo cơ chế để phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Về mô hình tổ chức, quản lý dự án và đào tạo nguồn nhân lực, MAUR cũng đề xuất chuyển đổi mô hình Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Công ty HURC1 thành mô hình doanh nghiệp về đường sắt đô thị với đầy đủ chức năng huy động vốn, thực hiện đầu tư, quản lý và thực hiện dự án, vận hành bảo dưỡng, phát triển bất động sản và các dịch vụ khác.
Nếu đề án phát triển hệ thống metro để thực hiện kết luận 49 của Bộ Chính trị được Quốc hội thông qua vào tháng 5.2024 thì TP.HCM dự kiến hoàn tất công tác quy hoạch chi tiết dự án và quy hoạch TOD trong năm 2025; hoàn tất công tác thu xếp nguồn vốn thực hiện năm 2025 – 2026; công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án hoàn thành trong 2026 – 2027 để đến 2028 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng bàn giao đất sạch. Công tác thi công sẽ tổ chức trong năm 2028 – 2029 và hoàn thành xây dựng hệ thống đường sắt đô thị vào năm 2035 theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị.