Báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Dương Anh Đức thông tin thành phố đã hoàn tất hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xem xét, đề cử TP.HCM trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trong năm 2023.
Đồng thời, với mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á, chính quyền TP.HCM đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho ngành giáo dục linh hoạt, thuận lợi triển khai các nhiệm vụ, chương trình năm học. Đề ra các chỉ tiêu phát triển, đồng thời chỉ đạo ngành giáo dục khắc phục các khó khăn, chủ động, sáng tạo, trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…
Cụ thể, TP.HCM triển khai công tác tuyển sinh, phân tuyến học sinh đầu cấp dưới hình thức trực tuyến 100% sử dụng mã định danh cá nhân của học sinh và các thuật toán phân tích không gian địa lý (GIS). Thành phố cũng đã hoàn thiện dữ liệu ngành giáo dục theo định hướng của chiến lược quản trị dữ liệu, triển khai nền tảng quản trị dữ liệu toàn ngành gồm trục liên thông dữ liệu, nhà kho dữ liệu, trung tâm điều hành, giám sát thông tin…
Trong tháng 8, ngành giáo dục TP.HCM đã cơ bản xây dựng xong dự thảo bộ tiêu chí với mong muốn xây dựng, phát triển mô hình trường học hạnh phúc. Dự kiến bộ tiêu chí này triển khai vào đầu năm học 2023-2024, các trường học xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu…
Cũng theo lãnh đạo UBND TP.HCM, bên cạnh những thuận lợi trong TP cũng một gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, hiện nay, vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên ngoại ngữ, tin học; nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán. Thêm vào đó, lực lượng giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của TP.HCM.
Một số quy định của Trung ương chưa phù hợp với thực tiễn nên khi triển khai gặp phải những bất cập, khó khăn. Chẳng hạn, TP.HCM gặp khó khăn vướng mắc khi thực hiện lập chủ trương đầu tư các dự án trường học theo Thông tư số 13 năm 2020 của Bộ GD-ĐT, do chưa có sự thống nhất về diện tích đất bình quân tối thiểu cho một học sinh giữa Thông tư số 13 và các tiêu chuẩn quốc gia.
Chính vì vậy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu điều chỉnh quy định về diện tích đất bình quân tối thiểu cho một học sinh tại Thông tư số 13 nhằm phù hợp đặc thù riêng của TP.HCM có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp. Đặc biệt là các khu vực trong nội thành để thực hiện đầu tư tăng thêm phòng học và các phòng chức năng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của TP.HCM.